Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Nguyễn Ngọc Tú: Hê-bơ-rơ 12:14-21 Nguy Hiểm của Sự Không Giữ Mình Thánh Khiết – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã gìn giữ gia đình con qua một ngày bình an. Con cảm tạ Cha vì giờ này Ngài cũng ban cho con có thời gian yên tĩnh đến với Ngài và Lời của Ngài. Con xin ghi lại sự suy ngẫm của con về phân đoạn Hê-bơ-rơ 12:14-21.

14 Hãy theo đuổi sự bình an với mọi người, cùng theo đuổi sự thánh khiết. Vì nếu không bởi đó thì chẳng người nào sẽ thấy Chúa.

Câu 14: Thưa Cha, con hiểu rằng, "theo đuổi sự bình an và sự thánh khiết" nghĩa là tìm cách để đạt được sự bình an, thánh khiết, và duy trì hai điều ấy trong suốt đời sống của mình. "Theo đuổi sự bình an với mọi người" là tìm cách sống hòa thuận với mọi người, đồng thời giúp mọi người sống hòa thuận với nhau (Ma-thi-ơ 5:9). "Theo đuổi sự thánh khiết" là tìm cách giữ mình không bị nhiễm tội, tránh xa môi trường cám dỗ, thực hành một nếp sống thánh khiết: như ngày đêm đọc, suy ngẫm Lời Chúa, hát tôn vinh Chúa, cầu nguyện với Chúa; thường xuyên thông công, trò chuyện với các anh chị em trong Hội Thánh; đọc các sách bồi linh; học tập những kỹ năng hữu ích cho linh vụ... Bản thân con thì con thấy việc dành thời gian dạy học cho các con, dạy cho chúng biết về Chúa, chơi với các con cũng giúp mình giữ được đời sống thánh khiết.

"Vì nếu không bởi đó thì chẳng người nào sẽ thấy Chúa" nghĩa là nếu một người sau khi đã tin nhận Chúa mà không gắng sức, hết lòng tìm kiếm sự bình an với mọi người cùng sự thánh khiết thì sẽ không thấy được Chúa. "Thấy Chúa" nghĩa là được ở trong mối tương giao mật thiết với Ngài. Con nghĩ đây là một điều hiển nhiên, nếu một người nói yêu Chúa và biết ơn Chúa nhưng suốt ngày không dành được mươi phút để ngẫm nghĩ về Chúa, thưa chuyện với Chúa, đọc và suy ngẫm Lời Chúa, thì chỉ là nói dối.

15 Hãy coi chừng! Kẻo có người trật phần ân điển của Đức Chúa Trời! Kẻo có rễ đắng nào sinh ra, làm ngăn trở, và bởi đó nhiều người bị ô uế! [Phục Truyền Luật Lệ Ký 29:18]

Câu 15: Con hiểu rằng, "trật phần ân điển của Đức Chúa Trời" nghĩa là đánh mất ơn cứu rỗi mà đã được Đức Chúa Trời ban cho. Chỉ có ai từng tin nhận Tin Làn thì mới có nhận được ơn cứu rỗi của Chúa. Vì thế câu này là lời cảnh báo dành cho con dân Chúa nếu không giữ mình sống thánh khiết. 

"Kẻo có rễ đắng nào sinh ra" nghĩa là một đời sống được ban cho những chất dinh dưỡng thuộc linh là Lời Chúa và những sự giảng dạy của các tôi tớ của Chúa, nhưng lại chỉ toàn sinh ra những điều xấu xa, độc dữ, ganh tỵ, cãi lẫy, không vâng phục... Lý do là vì người ấy nghe nhưng không có tấm lòng vâng phục làm theo Lời Chúa, dù tin Chúa nhưng người ấy vẫn tôn bản ngã của mình lên trên Chúa.

16 Kẻo có ai là đĩ đực, hoặc là người phạm thượng như Ê-sau, người chỉ vì một món ăn mà bán quyền con trưởng của mình.
17 Vì các anh chị em biết rằng, sau đó, người muốn thừa hưởng phước, thì người bị từ bỏ; vì người không tìm được chỗ cho sự ăn năn, dù người đã tìm kiếm với nước mắt. [Sáng Thế Ký 27:36-39]

Câu 16 và 17: Con hiểu rằng, sự Ê-sau bán quyền trưởng nam chỉ để được ăn một bát canh đậu là một sự phạm thượng rất lớn với Chúa. Vì Ê-sau đã coi ham muốn xác thịt là lớn hơn ân điển của Thiên Chúa, một hình thức khinh để Chúa. 

"Vì người không tìm được chỗ cho sự ăn năn, dù người đã tìm kiếm với nước mắt" nghĩa là dù có thật lòng ăn năn, hối tiếc thì cũng không còn được Chúa tha thứ nữa. Bản thân con thấy đây là một lời cảnh báo rất là nghiêm trọng vì điều dễ sợ là không ai biết được Chúa sẽ cho một người có bao nhiêu cơ hội để ăn năn.

18 Vì các anh chị em chẳng đến gần một hòn núi bị chạm và bị thiêu bởi lửa; hoặc sự u ám; hoặc sự tối tăm; hoặc cuồng phong;
19 hoặc tiếng loa; hoặc giọng của những lời phán mà những kẻ nghe đã nài xin đừng thêm một lời nào cho mình nữa.

Câu 18 và 19: Con hiểu rằng, hai câu này nói đến sự kiện Đức Chúa Trời hiện ra với dân I-sơ-ra-ên tại Si-na-i để ban truyền luật pháp cho họ. Khi Chúa giáng lâm thì có sấm vang chớp nhoáng, một áng mây dày đặc ở trên núi, và tiếng loa thổi rất vang động, cả hòn núi rung động cách kịch liệt. Cảnh trạng đó cùng với tiếng phán của Đức Chúa Trời khiến cho dân I-sơ-ra-ên sợ hãi, không dám nghe trực tiếp lời phán của Ngài. Họ nài xin Môi-se đến tiếp nhận Lời Chúa và truyền lại cho họ.

20 Vì họ không chịu nổi mệnh lệnh: Dù một con thú chạm đến hòn núi nó cũng sẽ bị ném đá hoặc bị bắn tên. [Xuất Ê-díp-tô Ký 19:12-13]
21 Cảnh tượng đó rất kinh khiếp, đến nỗi Môi-se đã nói rằng Ta sợ hãi và run rẩy.

Câu 20 và 21: Con hiểu rằng, không chỉ dân I-sơ-ra-ên mà ngay cả Môi-se, một người rất gần gũi với Chúa, khi thấy cảnh trạng vinh quang của Đức Chúa Trời hiện ra trên núi Si-na-i cũng khiến ông sợ hãi và run rẩy. Điều này cũng làm con nhớ đến câu chuyện Tiên Tri Ê-sai khi gặp Chúa, ông đã thốt lên: "Khốn thay cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy, ở giữa một dân có môi dơ dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân!" (Ê-sai 6:5). Ê-sai là một tiên tri lớn, được Chúa dùng để rao truyền những lời tiên tri quan trọng về Đấng Christ, thế mà khi đứng trước sự hiện diện của Chúa, ông tự nhận thấy lời từ miệng mình cũng chỉ là ô uế trước sự thánh khiết của Chúa. Từ trường hợp của Môi-se và Ê-sai, con học được rằng, phải biết kính sợ Chúa càng hơn, giữ gìn đời sống và phải rất cẩn thận trong lời nói của mình, như Truyền Đạo 1:5 dạy:

"Chớ vội mở miệng ra, và lòng ngươi chớ lật đật nói lời trước mặt Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời ở trên trời, còn ngươi ở dưới đất. Vậy nên ngươi hãy ít lời."

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Cha giờ này cũng tiếp tục ban ơn cho một buổi tối làm việc của con. Nguyện xin Cha ban ơn cho việc khôi phục lại các khu mạng của Hội Thánh. Con cảm tạ Cha. A-men.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú
...

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ