Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Nguyễn Ngọc Tú: I Cô-rinh-tô 9:15-27 Quyền Lợi và Sự Hy Sinh của Sứ Đồ Phao-lô Trong Chức Vụ – Phần 2

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã ban cho con một ngày Sa-bát bình an, phước hạnh. Cảm tạ Cha đã ban ơn cho con trong sự đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong I Cô-rinh-tô 9:15-27. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

15 Nhưng tôi chẳng từng dùng những quyền ấy. Tôi cũng chẳng viết những điều này để đòi chúng áp dụng cho tôi. Vì tôi thà chết còn hơn là ai đó làm ra vô ích sự khoe mình của tôi.

Sứ Đồ Phao-lô cho biết ông chưa từng đòi hỏi Hội Thánh các nơi chu cấp cho ông mặc dù điều đó là chính đáng. Ông viết cho các thánh đồ Cô-rinh-tô những lời trước đó (I Cô-rinh-tô 9:1-14) là giúp họ hiểu biết lẽ thật, thoát khỏi những lời dối trá của các giáo sư giả, chứ không phải để đòi quyền lợi cho ông.

"Sự khoe mình" của Phao-lô là một sự khoe mình trong Chúa, khoe rằng ông đã nhận lãnh Tin Lành cách miễn phí thì ông cũng theo mệnh lệnh của Chúa mà rao giảng Tin Lành cách miễn phí. Ông rao giảng Tin Lành vì nhận biết đó là bốn phận của ông với Chúa và ông vui mừng làm việc ấy. Ông thà chịu mọi gian khổ, thậm chí chịu chết, để rao giảng Tin Lành còn hơn để người khác hiểu lầm rằng ông đi diễn thuyết để kiếm sống.

16 Vì nếu tôi rao giảng Tin Lành, tôi chẳng có gì để khoe mình, vì sự cần thiết đặt trên tôi. Nhưng khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Lành.
17 Nếu tôi vui lòng làm việc đó thì tôi có phần thưởng. Nhưng nếu tôi không vui lòng thì chức quản lý cũng vẫn được phó thác cho tôi.

Trong chức vụ sứ đồ, Phao-lô ý thức được bổn phận rao giảng Tin Lành cho muôn dân mà Chúa giao cho ông. Vì là bổn phận nên Phao-lô nói ông chẳng có gì để khoe mình. Thái độ khiêm nhường phục vụ Chúa của Phao-lô hoàn toàn trái ngược với thái độ xấc xược, tự nâng mình lên, bắt người khác phải cung kính mình như các chức sắc trong các giáo hội mang danh Chúa ngày nay.

"Chức quản lý" là quản lý các sự mầu nhiệm của Thiên Chúa (I Cô-rinh-tô 4:1). Người được Chúa gọi vào chức vụ sứ đồ cũng đồng thời được Chúa ban ơn cho hiểu biết các sự mầu nhiệm của Tin Lành, và được ơn giảng giải cho người khác hiểu về các sự mầu nhiệm ấy.

18 Thế thì phần thưởng của tôi là gì? Rằng, trong sự rao giảng Tin Lành, tôi giãi bày Tin Lành của Đấng Christ cách miễn phí. Tôi chẳng lạm dùng quyền của tôi trong Tin Lành.

Phần thưởng của Phao-lô chính là sự ông vui mừng và hãnh diện vì đã hết lòng rao giảng Tin Lành của Đấng Christ cách miễn phí. Ông đã chịu khó làm việc kiếm sống ở những nơi ông đến rao giảng, để cho Tin Lành không bị ngăn trở trong lòng người nghe, chứ ông không bao giờ lạm dụng sự rao giảng để kiếm tiền hay để người khác phục vụ mình.

19 Dù tôi là tự do đối với mọi người, nhưng tôi tự đặt mình làm nô lệ cho mọi người, để cho tôi được nhiều người hơn.

Phao-lô biết ông có quyền tự do trong tư cách là công dân La-mã, và cũng được tự do trong Chúa. Tuy nhiên, ông đã tự đặt mình làm người phục vụ cho Tin Lành, đem Tin Lành đến cho mọi người ở khắp nơi, giúp họ được nghe giảng Tin Lành và có cơ hội được cứu giống như ông.

20 Với những người Do-thái, tôi trở nên như một người Do-thái, để tôi được những người Do-thái. Với những người ở dưới luật pháp, tôi trở nên như một người ở dưới luật pháp, để tôi được những người ở dưới luật pháp.

Khi ở giữa vòng dân tộc mình thì Phao-lô giữ các luật lệ, phong tục, thói quen giống như họ, miễn sao các điều ấy không nghịch lại Lời Chúa. Đồng thời ông cũng vâng giữ về mặt hình thức các luật lệ của Môi-se như luật cắt bì, luật giữ các ngày lễ hội, luật không ăn các thức ăn không tinh sạch, nhưng không vì lý do để được cứu rỗi. Sở dĩ, ông làm như vậy là để có nhiều cơ hội rao giảng Tin Lành cho họ, giúp họ nhận biết Đức Chúa Jesus là Đấng Christ.

21 Với những người không luật pháp, tôi trở nên như một người không luật pháp, chẳng phải không luật pháp đối với Thiên Chúa nhưng hợp pháp đối với Đấng Christ, để tôi được những người không luật pháp.

Những người không luật pháp, nghĩa là không luật pháp Môi-se, là những người thuộc các dân tộc ngoài I-sơ-ra-ên. Ở giữa vòng người ngoại, Phao-lô không thực hành các hình thức của luật pháp Môi-se. Tuy nhiên, ông vẫn vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, là nền tảng của đời sống loài người, và cũng là hợp pháp đối với Đấng Christ.

22 Với những người yếu đuối, tôi trở nên như một người yếu đuối, để tôi được những người yếu đuối. Tôi đã trở nên mọi sự cho mọi người, để bằng mọi cách, tôi cứu được một số người.
23 Nhưng điều này tôi làm bởi Tin Lành để tôi cũng trở nên người dự phần của Tin Lành.

"Trở nên như một người yếu đuối" là đặt mình trong hoàn cảnh của những người yếu đuối, đồng cảm với sự yếu đuối của họ, để tìm phương cách phù hợp mà giúp họ thoát khỏi sự yếu đuối. Thí dụ, đối với những người mới đến với Chúa, chưa có sự hiểu biết nhiều về Thánh Kinh, thì phải nhẫn nại giải thích, dùng những thí dụ đơn giản để giúp họ hiểu. 

"Trở nên mọi sự cho mọi người" có nghĩa là hòa đồng với mọi người, hoặc hết sức giúp đỡ mọi người trong mọi việc, miễn sao các việc ấy không nghịch lại Lời Chúa.

"Bằng mọi cách, tôi cứu được một số người" là tận dụng mọi phương cách đúng với Lời Chúa để giúp người khác nghe biết về Tin Lành và có cơ hội được cứu.

24 Các anh chị em chẳng biết rằng, về những người chạy trong một cuộc đua, mọi người đều chạy nhưng chỉ một người được giải thưởng sao? Vậy, các anh chị em hãy chạy để các anh chị em đoạt giải.
25 Những người đua tranh chịu tự giữ mình trong mọi sự. Thực tế, họ chịu vậy để được mão có thể hư nát; nhưng chúng ta chịu vậy để được mão không thể hư nát.

Sứ Đồ Phao-lô ví đời sống mới trong Chúa như một cuộc chạy đua. Người đua tranh thì chịu tự giữ mình trong mọi sự thì con dân Chúa cũng phải hết sức kỷ luật bản thân, chịu khổ như một người lính giỏi, gắng sức sống theo Lời Chúa, và trung tín cho đến cuối cùng.

26 Vậy thì, tôi chạy như vậy, chẳng phải là không chắc chắn; tôi đánh như vậy, chẳng phải như người đánh gió;

Lời Chúa ví con đường là cuộc đời, nên mỗi bước chạy là nếp sống mỗi ngày của con dân Chúa. Sứ Đồ Phao-lô khẳng định nếp sống trung tín làm theo Lời Chúa mỗi ngày chắc chắn không vô ích, chắc chắn sẽ nhận được các phần thưởng Chúa hứa, tiêu biểu như: Sự sống đời đời, quyền đồng trị với Đấng Christ, sự được kết hiệp với Đấng Christ trong lễ cưới Chiên Con...

27 nhưng tôi kỷ luật thân thể mình, bắt nó phải phục, kẻo sau khi tôi đã giảng dạy những người khác mà chính mình phải bị bỏ.

Câu 27 không chỉ dành cho những người giảng dạy Lời Chúa mà đáng được tất cả con dân Chúa ghi nhớ và thường xuyên thực hành.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Cha cũng giúp con biết kỷ luật thân thể mình mỗi ngày, đặc biệt là trong lời nói, để con chỉ nói ra những lời lành làm tôn vinh danh Chúa và đem lại ích lợi cho người khác.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Nguyễn Ngọc Tú
13/05/2023

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ