Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Nguyễn Ngọc Tú: Hê-bơ-rơ 6:1-3 Lời Cảnh Báo về Sự Bội Đạo – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha vì buổi chiều hôm nay Ngài ban cho con có thời gian đến với Ngài và Lời của Ngài. Con xin ghi lại sự suy ngẫm của con về phân đoạn Hê-bơ-rơ 6:1-3. Có mấy điều con hiểu được là nhờ đọc qua bài giảng của người chăn.

1 Vậy nên, chúng ta hãy bỏ qua những điều căn bản về giáo lý của Đấng Christ. Chúng ta hãy đạt đến bên trong sự trọn vẹn, đừng thiết lập trở lại nền tảng của sự ăn năn từ những công việc chết, như: đức tin nơi Thiên Chúa,
2 giáo lý về các phép báp-tem, sự đặt tay, sự sống lại của những người chết, và án phạt vĩnh cửu.

Câu 1 và 2: Thưa Cha, con hiểu rằng, những điều căn bản về giáo lý của Đấng Christ là những hiểu biết căn bản về tội lỗi, về Thiên Chúa, về Thánh Kinh, về chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, hay còn gọi là Tin Lành.

Về tội lỗi, thì loài người cần biết rằng mình là một tội nhân vì đã sống nghịch lại các điều răn của Thiên Chúa. Về Thiên Chúa thì điều căn bản một người cần biết là có một Thiên Chúa cao siêu tuyệt đối, mà loài người cần phải tôn kính thờ phượng Ngài. Về Thánh Kinh là Lời của Thiên Chúa và có thẩm quyền tuyệt đối trên đời sống của người tin Chúa. Về Tin Lành Cứu Rỗi thì để thoát ra khỏi hậu quả và quyền lực của tội lỗi, một người cần ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, Ngài là Thiên Chúa nhập thế làm người và đã chịu chết trên cây thập tự để cứu chuộc loài người.

"Hãy bỏ qua" nghĩa là không cần bàn luận, thắc mắc, hay tranh cãi gì về các điều căn bản ấy nữa. Bởi vì các điều ấy là căn bản, được Thánh Kinh công bố, nên chỉ cần dùng đức tin đơn sơ mà tiếp nhận và giữ vững sự tin ấy. Thí dụ như một người đã tin nhận Chúa mà còn đi tranh luận xem Đấng Christ có phải là Thiên Chúa không thì thật vô nghĩa.

"Hãy đạt đến bên trong sự trọn vẹn" nghĩa là sau khi đã nắm vững các sự hiểu biết căn bản thì một người cần nhanh chóng học biết các lẽ thật sâu nhiệm trong Thánh Kinh, để được trọn vẹn trong sự hiểu biết. Trọn vẹn trong sự hiểu biết không có nghĩa là hiểu biết hết Thánh Kinh, mà là có được sự hiểu biết rõ ràng từng lẽ thật của Thánh Kinh mà mình học đến. Khi viết đến đây thì con nhớ đến lúc mình mới đến với Hội Thánh, lúc ấy qua việc đọc loạt bài giảng "Loài Người" của người chăn mà con được hiểu biết rõ ràng về linh hồn là gì, tâm thần là gì. Sự hiểu biết này khiến con rất hân hoan, vui mừng, vì được thoát khỏi mọi khái niệm sai lầm của thế gian, của các tôn giáo về linh hồn.

"Đừng thiết lập trở lại nền tảng của sự ăn năn từ những công việc chết": Một người quyết định tin nhận Chúa thì đồng nghĩa là đã thiết lập đức tin của mình trên các lẽ thật căn bản của Thánh Kinh. Nên "đừng thiết lập trở lại" nghĩa là đừng bàn luận, tranh cãi gì về các điều căn bản ấy nữa, mà hãy nhanh chóng học tập Lời Chúa để được trưởng thành trong đức tin. "Những công việc chết" là những việc làm nghịch lại các điều răn của Thiên Chúa, hay còn gọi là tội lỗi. 

Nền tảng của sự ăn năn bao gồm:

- Đức tin nơi Thiên Chúa: là đức tin vào sự thực hữu của Thiên Chúa và đức tin vào Lời Chúa.
- Giáo lý về các phép báp-tem: là phép báp-tem bằng nước do Hội Thánh làm ra cho người mới tin Chúa và phép báp-tem bằng thánh linh do Đức Chúa Jesus Christ làm ra cho những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài.
- Sự đặt tay: sự đặt tay là một truyền thống mà những người I-sơ-ra-ên rất quen thuộc với ý nghĩa: để chúc phước, khi công nhận chức vụ của một người, khi dâng các sinh tế lên Đức Chúa Trời. Trong Hội Thánh thì sự đặt tay là: để chúc phước trong sự công nhận một chức vụ (Công Vụ Các Sứ Đồ 6:6), chữa bệnh như A-na-nia đặt tay trên Phao-lô để chữa lành cho Phao-lô, để báp-tem và tiếp nhận người mới vào Hội Thánh.
- Sự sống lại của những người chết: là hiện tại người tin Chúa được sống lại phần thuộc linh, nghĩa là linh hồn và tâm thần được tái sinh để thiết lập trở lại mối tương giao với Đức Chúa Trời. Phần thân thể xác thịt sẽ được sống lại khi Đấng Christ tái lâm để đón Hội Thánh.
- Án phạt vĩnh cửu: là bị giam trong hỏa ngục đời đời, chịu những hình phạt đời đời cho mỗi một tội mà một người làm ra.

3 Chúng ta sẽ làm điều đó nếu Đức Chúa Trời cho phép.

Câu 3: Qua lời chú giải của người chăn mà con hiểu được câu "chúng ta sẽ làm điều đó" có ý nghĩa là chúng ta sẽ "đạt đến bên trong sự trọn vẹn". "Nếu Đức Chúa Trời cho phép" là cách nói khiêm nhường của Phao-lô, để tôn cao quyền tể trị của Đức Chúa Trời. Phao-lô có ý nói: Mặc dù thánh ý của Đức Chúa Trời là muốn mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật, nhưng chớ có ai kiêu ngạo khi mình hiểu được một điều gì sâu nhiệm trong Lời Chúa vì tất cả đều là sự ban cho của Đức Chúa Trời.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Giờ này xin Cha tiếp tục ban ơn trên những việc còn lại trong ngày của con. Con cảm tạ Cha. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú

...

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ