Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Nguyễn Ngọc Tú: I Cô-rinh-tô 4:1-13 Gương của Các Sứ Đồ

1 Vậy, ai nấy hãy xem chúng tôi như những tôi tớ của Đấng Christ và những quản gia cho các sự mầu nhiệm của Thiên Chúa.
2 Tuy nhiên, sự đòi hỏi nơi những quản gia là sự một người phải được xem là trung tín.
3 Đối với tôi, hoặc bị tra xét bởi các anh chị em, hoặc bị tra xét bởi loài người, ấy là việc rất nhỏ. Tôi cũng chẳng tự tra xét mình.
4 Vì tôi chẳng thấy mình có điều gì đáng tội. Nhưng tôi cũng không bởi đó mà được xưng là công chính. Đấng tra xét tôi là Chúa.
5 Vậy, chớ phán xét trước thời hạn, cho tới khi Chúa đến. Ngài là Đấng sẽ chiếu sáng những sự giấu kín trong sự tối tăm và bày ra những ý định trong những tấm lòng. Bấy giờ, mỗi người sẽ được khen bởi Đức Chúa Trời.
6 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Vì cớ các anh chị em, tôi đã áp dụng những sự này cho chính mình tôi và A-bô-lô để các anh chị em học tập nơi chúng tôi, không nghĩ quá điều đã được chép, để không một ai kiêu ngạo, vì người này mà nghịch lại người kia.
7 Vì sự gì phân biệt ngươi với người khác? Sự gì ngươi có mà không do ngươi nhận lãnh? Nếu ngươi cũng nhận lãnh sao ngươi khoe mình như ngươi chẳng từng nhận lãnh?
8 Các anh chị em được no đủ rồi. Các anh chị em được giàu có rồi. Các anh chị em đã cai trị như vua mà không cần chúng tôi. Tôi thật mong rằng, các anh chị em đã cai trị như vua để chúng tôi cũng đồng trị với các anh chị em!
9 Vì tôi nghĩ rằng, sau hết, Đức Chúa Trời đã phô bày chúng tôi là các sứ đồ ra, như những người bị định cho sự chết. Vì chúng tôi bị làm trò cho thế gian, cho các thiên sứ, và cho nhiều người.
10 Chúng tôi ngu dại vì cớ Đấng Christ nhưng các anh chị em khôn sáng trong Đấng Christ. Chúng tôi yếu đuối nhưng các anh chị em mạnh mẽ. Các anh chị em cao quý nhưng chúng tôi thấp hèn.
11 Cho tới thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn đói, vẫn khát, vẫn trần truồng, vẫn bị đánh, vẫn lang thang không nhà.
12 Chúng tôi dùng chính tay mình làm việc khó nhọc; bị rủa sả, chúng tôi chúc phước; bị bách hại, chúng tôi chịu đựng;
13 bị mắng chửi, chúng tôi van nài; chúng tôi trở nên như rác rến của thế gian, cặn bã của mọi sự, cho đến ngày nay.

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha vì hôm nay Ngài lại ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong I Cô-rinh-tô 4:1-13. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

Thưa Cha, con hiểu phân đoạn này Đức Thánh Linh dạy cho con dân Chúa hãy bắt chước tấm gương của những sứ đồ thật, học tập nếp sống tin cậy, vâng phục Chúa, hi sinh, chịu khổ vì cớ Đấng Christ của họ.

Thưa Cha, con hiểu câu 1 và 2 như sau: Sứ Đồ Phao-lô khuyên con dân Chúa tại Cô-rinh-tô hãy xem ông và các bạn đồng hành cùng ông như những tôi tớ của Đấng Christ, nghĩa là trong phận sự hầu việc Đấng Christ, họ đã mang ân điển cứu rỗi của Ngài đến Cô-rinh-tô trao cho những ai có tấm lòng tìm kiếm Ngài. Các sứ đồ là "quản gia các sự mầu nhiệm của Thiên Chúa" nghĩa là họ được Chúa ban cho sự hiểu biết sâu nhiệm về Thánh Kinh, Tin Lành Cứu Rỗi, và sự khôn sáng để phân phát các sự hiểu biết ấy cho mọi người. Sự phân phát bao gồm hai phương diện, giảng Tin Lành cho những ai chưa biết Chúa và giảng dạy Lời Chúa cho các tín đồ, hướng dẫn họ áp dụng Lời Chúa vào đời sống.

Phẩm chất cần có của một người quản gia là trung tín. Trung tín là luôn vâng phục chủ, gắng sức làm tròn bổn phận, nhiệm vụ chủ giao cho, không lười biếng, hết lòng tận dụng thời gian để trau dồi thêm các kiến thức, kỹ năng để phục vụ chủ; luôn giành vinh quang, tiếng khen về cho chủ. Câu "một người phải được xem trung tín" cũng nghĩa là một người muốn trở thành quản gia các sự mầu nhiệm của Thiên Chúa thì đời sống phải bày tỏ ra được sự trung tín.

Thưa Cha, con hiểu câu 3 và 4 như sau: Phao-lô nói "tôi cũng chẳng tự tra xét mình" nghĩa là ông thấy mình đã trung tín trong công tác quản lý các sự mầu nhiệm của Thiên Chúa, hết lòng rao giảng Tin Lành cho mọi người, bày tỏ ra được một nếp sống vâng phục Chúa, đúng ý Chúa. Nên ông không ngại khi có ai đó trong Hội Thánh và kể cả người ngoại tra xét ông. Vì thế, sau này, khi đứng trước Tòa Công Luận của dân I-sơ-ra-ên hay tòa án của chính quyền La-mã, ông đều mạnh mẽ bênh vực mình. Tuy nhiên, Phao-lô cũng khẳng định ông không phải vì mình sống đúng Lời Chúa mà được xưng là công chính, mà ông luôn khẳng định mình được Chúa thương xót, ban ơn cứu rỗi, ban cho chức vụ Sứ Đồ.

Thưa Cha, con hiểu câu 5 như sau: Câu "những sự giấu kín trong sự tối tăm và những ý định trong những tấm lòng" trong văn mạch là nói đến những tâm tư, tình cảm, nỗi lòng và những ý tưởng phụng sự Chúa không được bày tỏ ra ngoài của các sứ đồ. Thật sự, có những sự nhẫn nại chịu khổ, hi sinh, nước mắt, những ý định muốn làm ra để phục vụ Chúa, tôn cao danh Chúa, mà chỉ có bản thân người ấy với Chúa mới biết. Vì thế, Chúa đã thần cảm Vua Đa-vít viết ra Thi Thiên 56:8 để an ủi con dân của Ngài khi họ có những tâm tư không thể nói thành lời.

"Ngài đếm sự tha hương của tôi! Xin Ngài để nước mắt của tôi trong bình của Ngài. Chúng không được ghi trong sổ của Ngài sao?" (Thi Thiên 56:8).

Vì vậy, câu "chớ phán xét trước thời hạn" cần được hiểu là Phao-lô khuyên con dân Chúa tại Cô-rinh-tô không phán xét tấm lòng phụng sự Chúa của các sứ đồ. Chứ không phải con dân Chúa không được phán xét nếp sống, lời giảng, việc làm của những người giảng Tin Lành và giảng dạy Lời Chúa xem có đúng với Lời Chúa hay không. Việc phán xét tấm lòng của người hầu việc Chúa là thuộc về Chúa, bởi vì chỉ có Chúa mới hiểu thấu lòng người, mới phán xét một cách chính xác và công chính được.

Thưa Cha, con hiểu câu 6 và 7 như sau: Hai câu này Phao-lô nêu ra một nguyên tắc sống trong Chúa đó là không nghĩ quá điều đã được dạy trong Thánh Kinh. Sự nghĩ quá trong trường hợp của con dân Chúa tại Cô-rinh-tô là sự thần tượng hóa người giảng Tin Lành và người giảng dạy Lời Chúa, tôn cao người này hơn người kia, khiến xảy ra sự tranh cãi và chia rẽ trong Hội Thánh.

Suy xét tận cùng thì mọi sự một người có được đều là sự ban cho bởi Thiên Chúa, hoặc là Chúa trực tiếp ban cho, hoặc là Chúa ban cho thông qua người khác. Vì thế Phao-lô đặt ra ba câu hỏi trong câu 7 để con dân Chúa tự mình nhận thức được các sự hành xử sai Lời Chúa đã dẫn đến sự tranh cãi, bè đảng. "Vì sự gì phân biệt ngươi với người khác" hàm ý trong vòng các con dân Chúa tại Cô-rinh-tô đã lập thành các nhóm đối lập nhau, nhóm này tự tôn cao mình và phân biệt mình với nhóm kia. Có thể những người sang trọng và quyền thế đã lập thành một nhóm đối lại với nhóm những người nghèo, nô lệ. Có thể nhóm những người sang trọng và quyền thế đã khoe khoang về của cải, địa vị, cho rằng mình dâng hiến vào Hội Thánh nhiều hơn nên đã ăn uống say sưa trước và làm cho những tín đồ nghèo đến sau phải chịu đói (I Cô-rinh-tô 11:20-21; 33-34). Đây cũng là một thực trạng trong các giáo hội mang danh Chúa ngày nay.

Thưa Cha, con hiểu câu 8 như sau: Câu này Sứ Đồ Phao-lô viết với hàm ý mỉa mai "các anh chị em đã cai trị như vua mà không cần chúng tôi". Mặc dù các thánh đồ tại thành Cô-rinh-tô được giàu có về vật chất, ngoại trừ những người nghèo và nô lệ, và giàu có về thuộc linh bởi các ân tứ Đức Thánh Linh ban cho (đặc biệt là ơn nói các ngoại ngữ), nhưng họ đã thật không cai trị được chính mình. Và vì thiếu hiểu biết Lời Chúa mà dẫn đến các sự tranh cãi, chia rẽ trong Hội Thánh. Vì thế, Phao-lô và các bạn của ông mong rằng họ đều đạt được quyền cai trị như vua, mà trước là cai trị chính mình, bắt thân thể xác thịt vâng phục thần trí.

Thưa Cha, con hiểu từ câu 9 đến câu 13 như sau: Năm câu này Đức Thánh Linh qua Phao-lô bày tỏ cho con dân Chúa về tấm gương chịu khổ, hi sinh của các sứ đồ.

"Chúng tôi ngu dại vì cớ Đấng Christ nhưng các anh chị em khôn sáng trong Đấng Christ" nghĩa là đức tin và công việc rao giảng Tin Lành của các sứ đồ bị thế gian chê cười, xem là ngu dại, nhưng lại giúp đem Tin Lành đến cho nhiều người và giúp cho những người tin hiểu biết sâu nhiệm về Chúa.

"Chúng tôi yếu đuối nhưng các anh chị em mạnh mẽ" nghĩa là dù các sứ đồ có sự đau yếu trên thân thể xác thịt, hoặc bị tra tấn, tù đày... vì rao giảng Tin Lành nhưng lại giúp được con dân Chúa mạnh mẽ trong đức tin.

"Các anh chị em cao quý nhưng chúng tôi thấp hèn" nghĩa là dù các sứ đồ bị khinh chê, sỉ nhục, xem là thấp hèn nhưng sự rao giảng Tin Lành của họ đã khiến nhiều người trở nên con cái của Đức Chúa Trời, một địa vị vô cùng cao quý.

"Cho tới thời điểm hiện tại" là cho tới lúc Phao-lô viết thư I Cô-rinh-tô thì ông và các sứ đồ khác vẫn đang phải chịu nhiều cảnh khổ. Và điều này vẫn xảy ra cho các thánh đồ của Chúa ở khắp mọi nơi trong khắp mọi thời đại. Những người được Chúa kêu gọi vào các chức vụ giảng Tin Lành và giảng dạy Lời Chúa thì trước tiên phải chịu khổ nhiều hơn, hi sinh nhiều hơn để làm gương cho con dân Chúa trong Hội Thánh tại các địa phương mà họ rao giảng. Đương nhiên là Chúa luôn ban thưởng xứng đáng cho những ai lao nhọc nhiều hơn.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Cha cũng ban ơn, thêm sức, soi dẫn giúp con sống được một nếp sống làm gương cho con dân Chúa trong chức vụ mà Ngài đã ban cho con. Con cũng mong một ngày không xa nữa sẽ được nghe những câu chuyện chịu khổ của thánh đồ của Chúa trong khắp các thời đại, trong mỗi dân tộc.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú
28/04/2023

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ