Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Nguyễn Ngọc Tú: II Ti-mô-thê 3:10-17 Những Thời Kỳ Khó Khăn – Phần 2

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã gìn giữ gia đình con qua một ngày bình an. Con cảm tạ Cha tối hôm nay cũng ban cho con có thời gian viết lại các sự suy ngẫm của con về phân đoạn II Ti-mô-thê 3:10-17. Nguyện rằng những sự suy ngẫm của lòng con được đẹp ý Ngài, được Ngài vui nhận.

10 Nhưng con đã nhận biết sự dạy dỗ, nếp sống, mục đích, đức tin, sự nhẫn nại, sự yêu thương, sự bền đỗ của ta,
11 những sự bách hại, những hoạn nạn đã xảy đến cho ta tại thành An-ti-ốt, tại I-cô-ni, tại Lít-trơ. Những sự bắt bớ đó ta đều chịu cả, nhưng Chúa đã giải cứu ta khỏi hết thảy.

Câu 10 và 11: Thưa Cha, con hiểu rằng, thực tế thì trong chuyến truyền giáo lần thứ nhất Phao-lô đã gặp nhiều hoạn nạn hơn, nhưng ở đây ông chỉ nhắc lại với Ti-mô-thê những hoạn nạn mà ông gặp ở thành An-ti-ốt, I-cô-ni, và Lít-trơ. Lý do là vì sinh quán của Ti-mô-thê ở tại Lít-trơ và đó là lần đầu Phao-lô truyền giáo đến Lít-trơ. Có lẽ, hàm ý của Phao-lô là muốn ôn lại với Ti-mô-thê những kỷ niệm của thuở ban đầu ông mang Tin Lành đến với Ti-mô-thê. Nếu là vậy, thì câu "những sự bắt bớ đó ta đều chịu cả, nhưng Chúa đã giải cứu ta khỏi hết thảy" là một lời động viên hàm chứa rất nhiều tình cảm của Phao-lô dành cho Ti-mô-thê. Phao-lô động viên Ti-mô-thê, dù trong hoàn cảnh nào cũng hãy gắng sức chịu khổ rao giảng Tin Lành và tin cậy Chúa trong mọi sự, vì chắc chắn Ngài sẽ giải cứu Ti-mô-thê.

12 Hễ ai muốn sống cách tin kính trong Đấng Christ Jesus thì sẽ bị bách hại.

Câu 12: Con hiểu rằng, đây là lời Phao-lô tâm tình với Ti-mô-thê về hoàn cảnh sống chung của con dân Chúa. Bất cứ ai muốn sống nếp sống tin kính Chúa thì sẽ bị bách hại, vì thế gian ghét Chúa (Giăng 15:18).

13 Nhưng những kẻ ác và những kẻ giả mạo thì càng dấn sâu vào sự dữ, làm lầm lạc những người khác và chính mình cũng bị lầm lạc.

Câu 13: Con hiểu rằng, "những kẻ ác và những kẻ giả mạo" là những ai chỉ giả bộ chứ không thật lòng tin nhận Chúa, bao gồm cả những giáo sư giả, tiên tri giả, và những người mang danh là tin Chúa nhưng có nếp sống thù nghịch thập tự giá.

14 Nhưng con hãy ở lại trong những sự con đã học và được giao phó cho, vì biết con đã học những điều đó với ai.
15 Từ khi còn thơ ấu, con đã biết Thánh Kinh có năng lực khiến con khôn sáng, dẫn đến sự cứu rỗi bởi đức tin, là sự ở trong Đấng Christ Jesus.

Câu 14 và 15: Con hiểu rằng, khi viết "vì biết con đã học những điều đó với ai" là Phao-lô muốn Ti-mô-thê nhớ lại mẹ và bà ngoại, là hai người đã xây dựng nền tảng đức tin cho ông, sống làm gương cho ông về đời sống tin kính Chúa. Đồng thời nhắc Ti-mô-thê nhớ đến Phao-lô là người đã đem Tin Lành đến cho ông, được ông xem như cha, và đã sống làm gương cho ông trong chức vụ.

Bản thân Ti-mô-thê cũng ý thức được mọi sự khôn sáng mà ông có là nhờ được học biết về Lời của Chúa, từ khi còn thơ ấu.

16 Cả Thánh Kinh do Thiên Chúa hà hơi, có ích cho sự giảng dạy, cho sự quở trách, cho sự sửa trị, cho sự giáo dục trong sự công chính, [hà hơi = ban sự sống; thần cảm]
17 để người của Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành.

Câu 16 và 17: Con hiểu rằng, giống như Giô-suê 1:8, con dân Chúa cần thực hành luôn luôn Lời Chúa dạy trong hai câu này. Trước nhất là cần thực hành để gầy dựng chính mình bằng cách dùng Lời Chúa để tra xem, quở trách, sửa trị, kỷ luật những sự sai trái của bản thân. Thứ hai là dùng Lời Chúa để dạy dỗ, góp ý, hướng dẫn, quở trách, sửa trị các anh chị em cùng đức tin. 

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Khi ngẫm nghĩ về phân đoạn này, con thấy những bậc cha mẹ trong Chúa thật phước hạnh vì có Lời Chúa để giáo dục con cái của mình. Con cũng nhận thấy những đứa bé trong Hội Thánh được lớn lên trong Lời Chúa thì có sự khôn sáng khác biệt hẳn những đứa trẻ ngoài đời. Con cảm tạ Cha vì mỗi ngày đọc Lời Chúa cùng các con là một niềm vui trong cuộc sống của con.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ. 
Nguyễn Ngọc Tú

...

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ