Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Nguyễn Ngọc Tú: Phi-lê-môn 8-16 Anh Chị Em Trong Đấng Christ – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con dâng lời cảm tạ Cha đã ban cho gia đình con một ngày bình an và ban ơn trên mọi việc tay chúng con làm. Cảm tạ Cha giờ này cũng ban cho con có thời gian riêng tư đến với Lời của Ngài. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn Thánh Kinh Phi-lê-môn 8-16.

8 Vậy nên, dù trong Đấng Christ, tôi có quyền truyền dạy anh việc nên làm,

Câu 8: Thưa Cha, qua câu này con hiểu rằng, các trưởng lão của Hội Thánh có thẩm quyền Chúa ban cho để truyền dạy con dân Chúa việc nên làm. Việc nên làm là những việc đúng với Lời Chúa, đem lại ích lợi cho nhiều người, làm gương tốt, và làm tôn vinh danh Chúa.

Nhóm chữ "trong Đấng Christ" giúp con hiểu là thẩm quyền kèm theo các chức vụ Chúa ban cho, là để gầy dựng thân thể của Đấng Christ, tức là Hội Thánh. Chứ không phải để người có chức vụ lạm quyền, buộc con dân Chúa phải cung phụng mình. 

Con nghĩ rằng, về phía con dân Chúa, người nào có tấm lòng vâng phục các thẩm quyền trong Hội Thánh thì sẽ mau chóng tiến bộ trong thuộc linh và có sự hiểu biết càng hơn về các quy luật trong cả thế giới thuộc linh lẫn thuộc thể. Vì vốn dĩ các thẩm quyền là sự phản ánh tính trật tự trong sự sáng tạo của Thiên Chúa.

9 nhưng vì lòng yêu thương của anh, nên tôi nài xin thì hơn. Tôi, Phao-lô, đã già rồi, và hiện nay lại là một người tù của Đức Chúa Jesus Christ.
10 Tôi vì đứa con mà tôi đã sinh trong vòng xiềng xích, tức là Ô-nê-sim, mà nài xin anh.

Câu 9 và 10: Con hiểu rằng, mặc dù trong thẩm quyền sứ đồ, Phao-lô có quyền yêu cầu Phi-lê-môn tiếp nhận Ô-nê-sim trở lại, nhưng ông đã không làm vậy. Phao-lô nhận biết rằng với tấm lòng yêu thương con dân Chúa của Phi-lê-môn, ông sẽ sẵn lòng tiếp nhận Ô-nê-sim khi biết Ô-nê-sim đã tin nhận Tin Lành. Vì thế, thay vì truyền lệnh, Phao-lô đã nài xin Phi-lê-môn tiếp nhận Ô-nê-sim. Sự nài xin của Phao-lô là một cách ứng xử vừa khôn sáng, vừa chan chứa tình yêu thương đối với cả Phi-lê-môn và Ô-nê-sim. 

Khi đặt mình vào vị trí của Phi-lê-môn, con nghĩ rằng, dù là Phao-lô truyền lệnh hay nài xin, thì Phi-lê-môn đều vui lòng làm theo. Nhưng với sự nài xin thì Phi-lê-môn sẽ xúc động càng hơn và yêu quý Phao-lô càng hơn. 

Câu "tôi, Phao-lô, đã già rồi, và hiện nay lại là một người tù của Đức Chúa Jesus Christ" không có nghĩa là Phao-lô dùng tuổi già hay hoàn cảnh của mình để thuyết phục Phi-lê-môn. Mà Phao-lô có ý nói, sự Phi-lê-môn đồng ý lời nài xin của ông sẽ thêm lên niềm vui cho ông trong tuổi già và trong hoàn cảnh đang bị tù đày.

11 Người mà trước đây không ích gì cho anh, nhưng bây giờ sẽ có ích cho anh và cho tôi.
12 Người mà tôi gửi lại cho anh. Vậy, xin hãy tiếp người. Người như lòng dạ tôi vậy.

Câu 11 và 12: Con hiểu rằng, Phao-lô mô tả trước đây Ô-nê-sim không có ích gì cho Phi-lê-môn có thể là Ô-nê-sim là một nô lệ hay cãi trả và không vâng phục chủ. "Bây giờ sẽ có ích cho anh và cho tôi" nghĩa là, hiện tại Ô-nê-sim đã thật lòng ăn năn, đã trở thành con dân chân thật của Chúa và sẽ phụ giúp được nhiều cho Phi-lê-môn trong việc chăm sóc Hội Thánh Cô-lô-se.

Câu "người như lòng dạ tôi vậy" có nghĩa là, hãy xem người như tôi vậy, hãy đối xử với người như với tôi vậy. Phao-lô có ý nói Phi-lê-môn hãy tiếp nhận Ô-nê-sim trong tình yêu như Phi-lê-môn tiếp đón ông trong tình yêu vậy.

13 Người mà tôi muốn giữ lại bên tôi, để người thay anh mà giúp việc cho tôi trong vòng xiềng xích của Tin Lành.
14 Nhưng tôi không muốn làm điều gì mà chưa được anh đồng ý, để cho điều lành anh sẽ làm chẳng phải bởi ép buộc, mà là bởi lòng thành.

Câu 13 và 14: Con hiểu rằng, có lẽ sau khi Ô-nê-sim tin nhận Tin Lành qua sự rao giảng của Phao-lô thì có thể Ô-nê-sim đã chủ động xin ở lại giúp việc và chăm sóc cho Phao-lô. Phao-lô biết rằng việc ông muốn giữ Ô-nê-sim lại để giúp việc cho ông, trong công tác rao giảng Tin Lành, là điều hợp lý. Tuy nhiên, Phao-lô nhận thấy điều phải lẽ hơn là gửi Ô-nê-sim trở lại với Phi-lê-môn, để Ô-nê-sim trực tiếp xin lỗi, phục hòa với Phi-lê-môn, và đền bù những thiệt hại đã gây ra cho Phi-lê-môn.

15 Có lẽ người đã tạm xa cách anh, cốt để anh nhận lấy người mãi;
16 không như nô lệ nữa, nhưng hơn nô lệ, như một anh em cùng Cha yêu dấu, đặc biệt là cho tôi, nhưng nhiều hơn nữa cho anh: cả trong xác thịt, lẫn trong Chúa.

Câu 15 và 16: Con hiểu rằng, sự việc Ô-nê-sim trốn khỏi nhà Phi-lê-môn là Ô-nê-sim đã hành xử theo ý riêng. Nhưng Chúa đã đưa dắt Ô-nê-sim đến với Phao-lô để được nghe giảng Tin Lành. Khi Ô-nê-sim thật lòng ăn năn tội và tiếp nhận Tin Lành thì ông được thoát khỏi tình trạng nô lệ cho tội lỗi, đồng thời cũng thoát khỏi sự nô lệ trong xác thịt. Vì Phi-lê-môn cũng là một con dân Chúa, nên ông không còn xem Ô-nê-sim là nô lệ, mà như một anh chị em cùng Cha yêu dấu.

Nhóm chữ "nhiều hơn nữa cho anh trong xác thịt" nghĩa là Ô-nê-sim từ một nô lệ sẽ trở thành người anh em cùng Cha thân thiết với Phi-lê-môn hơn cả những người thân trong gia đình thuộc thể của ông. "Nhiều hơn nữa cho anh trong Chúa" nghĩa là Ô-nê-sim sẽ yêu mến Phi-lê-môn hơn những người khác trong Hội Thánh. Điều này là dễ hiểu bởi vì một người thật lòng ăn năn tội thì sẽ yêu mến càng hơn người anh em mà trước đây bị mình làm thiệt hại, mà giờ đây người ấy lại yêu thương tha thứ cho mình. 

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Cha giờ đây cũng ban cho con một giấc ngủ ngon và chữa lành cho con chứng cảm ho. Con cảm tạ Cha! A-men.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú

...

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ