Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Nguyễn Ngọc Tú: I Cô-rinh-tô 12:12-31 Sự Hiệp Một của Hội Thánh

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha vì một ngày mới nữa Ngài ban cho con, nguyện rằng hôm nay con cũng được đầy ơn và sức khỏe để lao động. Con cảm tạ Cha sáng hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong I Cô-rinh-tô 12:12-31. Con hiểu phân đoạn này rất quan trọng, nói về sự hiệp một của Hội Thánh. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu.

12 Tuy nhiên, như thân là một mà có nhiều chi thể, nhưng hết thảy các chi thể của một thân dù là nhiều, chỉ là một thân; Đấng Christ cũng vậy.

Câu 12: Con hiểu rằng, Đức Thánh Linh qua Sứ Đồ Phao-lô dùng hình ảnh sự liên kết chặt chẽ của các chi thể trong cùng một thân thể để diễn tả sự liên kết, sự hiệp một của các thánh đồ trong Hội Thánh. Câu "Đấng Christ cũng vậy" nghĩa là Đấng Christ cũng cùng hiệp một với con dân Chúa trong cùng một thân. Câu này cũng đã hàm ý Hội Thánh của Chúa không phải là các giáo hội, giáo phái trong thế gian, bởi vì Hội Thánh thật của Chúa không thể bị phân rẽ và xé tan thành hàng chục ngàn mảnh như vậy.

13 Bởi vì chúng ta, hoặc người Do-thái, hoặc người Hy-lạp, hoặc nô lệ, hoặc tự chủ, đều đã trong một linh, chịu báp-tem vào trong một thân; và hết thảy được uống trong một linh.

Câu 13: "Trong một linh, chịu báp-tem vào trong một thân" nghĩa là mỗi con dân Chúa đều được nhúng chìm vào trong thân Đấng Christ bởi cùng một năng lực và sự sống của Thiên Chúa. Hay nói cách khác, con dân Chúa được hiệp một với Đấng Christ nhờ vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Sự chết chuộc tội của Ngài được thi hành bởi thánh linh của Thiên Chúa.

"Hết thảy được uống trong một linh" nghĩa là mỗi con dân Chúa đều được nhận lãnh năng lực và sự sống của Thiên Chúa. Động từ "uống" diễn đạt sự được thỏa mãn những khao khát thuộc linh. Con hiểu rằng, ai cũng muốn người khác yêu thương mình, đó là khao khát tình yêu; ai cũng muốn được đối xử công bằng, đó là khao khát sự công chính; ai cũng không muốn bị người khác lừa dối, sỉ nhục, chê cười, đó là khao khát sự thánh khiết. Ba câu hỏi lớn nhất của loài người thể hiện khao khát thuộc linh trong một người là: (1) Tôi đến từ đâu?, (2) Tôi sống để làm gì?, (3) Khi qua đời, tôi sẽ về đâu? Tất cả khao khát thuộc linh ấy chỉ có thể trả lời bằng đức tin vào Thiên Chúa của Thánh Kinh và bằng Thánh Kinh.

14 Thân chẳng phải một chi thể, mà là nhiều chi thể.
15 Nếu chân nói: Vì ta chẳng phải là tay, ta không thuộc về thân. Thì có phải bởi đó nó không thuộc về thân?
16 Và nếu lỗ tai nói: Vì ta chẳng phải là mắt, ta không thuộc về thân. Thì có phải bởi đó nó không thuộc về thân?

Từ câu 14 đến câu 16: Như sự thật thân chẳng phải một chi thể mà có nhiều chi thể, mỗi chi thể đều thuộc về thân, gắn kết chặt chẽ với toàn thân, thì mỗi con dân Chúa trong Hội Thánh đều hiệp một với nhau. Lời dạy này giúp cho con dân Chúa nhận thức được rằng mọi khác biệt về chủng tộc, tuổi tác, địa vị, phái tính, học thức, quyền thế... đều vô nghĩa trong Hội Thánh. Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô nêu lên điều này là để đánh tan cảm giác hổ thẹn, tự ti của các con dân Chúa nghèo khó, là nô lệ. Nhất là khi trong Hội Thánh Cô-rinh-tô xảy ra tình trạng phân rẽ, những người giàu đã khinh bỉ những người nghèo, ăn hết đồ ăn của người nghèo (I Cô-rinh-tô 11:21-22).

17 Nếu toàn thân đều là mắt thì sự nghe ở đâu? Nếu toàn thân đều là tai thì sự ngửi ở đâu?
18 Nhưng bây giờ, Đức Chúa Trời đã sắp đặt các chi thể, mỗi một chúng trong thân thể, theo Ngài muốn.
19 Nếu hết thảy chúng là một chi thể thì thân ở đâu?
20 Vậy nên, có nhiều chi thể nhưng chỉ có một thân.

Từ câu 17 đến câu 20: Tương tự như mỗi chi thể đều có chức năng riêng thì trong Hội Thánh mỗi con dân Chúa đều được Chúa ban cho một chức năng riêng để giúp ích cho sự gầy dựng Hội Thánh. Sự sắp đặt các chi thể là tùy theo ý Chúa. Vậy nên, con hiểu rằng, sự ban cho các ân tứ và các việc lành cho một người là sự sắp đặt tốt nhất của Chúa cho người ấy, để người ấy góp phần vào sự gầy dựng Hội Thánh chung.

21 Mắt không thể nói với bàn tay rằng: Ta chẳng cần ngươi. Đầu cũng chẳng thể nói với bàn chân: Ta chẳng cần ngươi.
22 Trái lại, hơn thế nữa, các chi thể của thân xem là yếu đuối lại là cần thiết.
23 Các chi thể nào của thân mà chúng ta nghĩ là kém tôn trọng, thì chúng ta đặt sự tôn trọng trên chúng càng hơn; các chi thể nào của chúng ta chẳng đẹp, thì có sự trau giồi càng hơn.
24 Vì các chi thể đẹp của chúng ta thì không cần sự trau giồi. Nhưng Đức Chúa Trời đã liên kết thân của chúng ta, ban sự tôn trọng càng hơn cho chi thể nào thiếu kém,
25 để cho không có sự phân rẽ trong thân, nhưng các chi thể cùng chăm sóc lẫn nhau.

Từ câu 21 đến câu 25: Sứ Đồ Phao-lô diễn tả sự mỗi chi thể trong một thân đều cần đến nhau. Tương tự vậy, mỗi thành viên trong Hội Thánh đều cần đến nhau, những ai có đức tin mạnh mẽ được Chúa dùng để chăm sóc người yếu đức tin hơn. Tất cả con dân chân thật của Chúa đều có lòng tôn trọng người khác hơn chính mình, vậy nên mọi thành viên đều được tôn trọng như nhau.

26 Và, nếu một chi thể đau đớn thì hết thảy các chi thể cùng đau đớn; nếu một chi thể được tôn trọng thì hết thảy các chi thể cùng vui mừng.
27 Các anh chị em là thân của Đấng Christ, và là các chi thể của từng phần.

Câu 26 và 27: Sứ Đồ Phao-lô muốn dùng lẽ thật là nếu một chi thể trong thân thể xác thịt bị đau đớn thì cả thân cùng chịu sự đau đớn, nhằm nói lên một thực tế là mọi thành viên trong Hội Thánh đều đồng cảm với nhau về sự tổn thương của nhau. Chính nhờ có sự đồng cảm này mà mỗi người đều tích cực trong sự tiếp trợ, cứu giúp, chăm sóc, khích lệ... người bị tổn thương. Tương tự vậy là niềm vui mừng chung khi một thành viên nhận được sự tôn trọng. Thưa Cha, con thấy người ngoại tôn trọng bởi lòng tốt, sự cứu giúp, lời nói chuẩn mực của một thành viên Hội Thánh thì đồng thời người ấy cũng rất tôn trọng Hội Thánh. Như có lần con chứng kiến, một người ngoại nghe một cháu thiếu nhi thưa chuyện lễ phép thì họ nói đại khái "ở trong đó (trong Hội Thánh) họ dạy con cái ngoan lắm chứ không phải như mình đâu".

28 Thực tế, Đức Chúa Trời đã lập trong Hội Thánh: thứ nhất là những sứ đồ; thứ nhì là những tiên tri; thứ ba là những người dạy; kế đến là những người làm phép lạ; rồi những người có ân tứ chữa lành các tật bệnh; những người cứu giúp; những người cai quản, những người nói các nhánh của các ngôn ngữ.
29 Có phải hết thảy là những sứ đồ? Có phải hết thảy là những tiên tri? Có phải hết thảy là những người dạy? Có phải hết thảy là những người làm phép lạ?
30 Có phải hết thảy có ân tứ chữa lành các tật bệnh? Có phải hết thảy nói các ngôn ngữ? Có phải hết thảy thông giải các ngôn ngữ?

Từ câu 28 đến câu 30: Đức Chúa Trời đã lập các chức vụ trong Hội Thánh, Đấng Christ là Đấng ban cho một số người các chức vụ, Đấng Thần Linh ban cho ân tứ để thi hành các chức vụ ấy. Chức vụ nào được ban cho người nào là tùy sự sắp xếp của Đấng Thần Linh vì Ngài biết rõ điều gì là phù hợp nhất cho một người.

Chức vụ sứ đồ có nhiệm vụ rao giảng Tin Lành và thành lập các Hội Thánh địa phương. Chức vụ tiên tri có nhiệm vụ công bố những gì Đức Chúa Trời truyền bảo người ấy, có thể là báo trước những gì sắp xảy ra, hoặc lời kêu gọi một người, một Hội Thánh địa phương ăn năn. Chức vụ giảng dạy là dạy Lời Chúa cho con dân Chúa và cho cả người chưa biết Chúa. Chức vụ làm phép lạ là làm ra những dấu kỳ và phép lạ làm tôn vinh danh Chúa và thể hiện quyền năng của Ngài. Chức vụ chữa tật bệnh là nhân danh Chúa chữa lành tật bệnh cho một người, sự chữa lành diễn ra ngay lập tức, hoàn toàn khác với sự biểu diễn chữa lành tật bệnh cách từ từ của các tôi tớ của Sa-tan. Chức vụ cứu giúp là dùng công sức, thời gian, của cải, quyền thế để tiếp trợ, cứu giúp các anh chị em đang trong hoàn cảnh khó khăn. Chức vụ cai quản là cai trị và điều hành Hội Thánh. Chức vụ nói các nhánh ngôn ngữ là nói những ngôn ngữ của loài người mà người nói chưa từng biết, nội dung là nói lên những điều cao trọng của Thiên Chúa và tôn vinh Ngài. Chức vụ thông giải là thông dịch các ngôn ngữ của loài người sang ngôn ngữ mà cả Hội Thánh đều biết.

31 Hãy khao khát các ân tứ có ích hơn hết! Bây giờ, tôi sẽ chỉ cho các anh chị em con đường tuyệt vời.

Câu 31: Sứ Đồ Phao-lô khuyên con dân Chúa hãy khao khát các ân tứ có ích hơn hết, nghĩa là khao khát những chức vụ được liệt kê trước trong danh sách trong câu 28, như: sứ đồ, tiên tri, người dạy. "Con đường tuyệt vời" là đời sống yêu thương trong Chúa mà Phao-lô sắp trình bày cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô trong phân đoạn tiếp theo.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Cha giúp bản thân con và các anh chị em của con ghi nhớ bài học này để hết lòng gìn giữ sự hiệp một của Hội Thánh. Sự hiệp một của chúng con sẽ là một dấu chứng mà người ngoại nhìn vào và nhận biết tình yêu của Chúa!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Nguyễn Ngọc Tú
26/05/2023

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ