Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Nguyễn Ngọc Tú: I Phi-e-rơ 4:12-19 Con Dân Chúa Chịu Khổ Trong Xác Thịt Là Có Phần Trong Sự Thương Khó của Đấng Christ

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã ban cho gia đình con một ngày bình an. Cảm tạ Cha hôm nay cũng gìn giữ con trên đường đi công việc đi qua đèo được bình an. Cảm tạ Cha vì giờ này Ngài ban cho con có thời gian yên tĩnh để cầu nguyện và viết bài suy ngẫm. Con xin ghi lại sự suy ngẫm của con về phân đoạn I Phi-e-rơ 4:12-19.

12 Hỡi những người yêu dấu! Khi các anh chị em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường.

Câu 12: Thưa Cha, con hiểu rằng, "trong lò lửa thử thách" là rơi vào hoàn cảnh phải chịu sự bách hại, khó khăn, hoạn nạn trên bước đường theo Chúa. Gọi là "lò lửa" là vì Chúa dùng những sự hoạn nạn để rèn tập con dân Chúa nếp sống thánh khiết càng hơn, như lò lửa dùng luyện vàng và bạc để loại bỏ các tạp chất, giúp vàng bạc trở nên tinh khiết hơn.

Khi còn sống trong thế gian thì con dân Chúa phải chịu những khó khăn chung của thế gian do hậu quả tội lỗi, đồng thời phải chịu thêm sự bách hại bởi đức tin nơi Chúa. Vì thế mà Sứ Đồ Phi-e-rơ gọi đó không phải là việc gì khác thường. Tuy đây là một chân lý đơn giản nhưng con dân Chúa cũng cần lưu ý khi giảng Tin Lành cho người khác. Cần nói cho người nghe giảng Tin Lành biết những khó khăn khi đi theo Chúa.

13 Nhưng các anh chị em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, để cho đến ngày vinh quang của Ngài hiện ra, thì các anh chị em cũng được vui mừng lớn.

Câu 13: Con hiểu rằng, "có phần trong sự thương khó của Đấng Christ" là gắng sức làm những việc lành mà Chúa giao phó dù phải đối diện với những sự bách hại, như chính Đấng Christ đã đối diện khi thi hành linh vụ trên đất.

"Hãy vui mừng bấy nhiêu": khi phải chịu bách hại, khốn khổ mà vẫn vui mừng có lẽ là điều khá nghịch lý theo cách suy nghĩ thông thường. Tuy nhiên, đây là cảm xúc hoàn toàn tự nhiên của con dân chân thật của Chúa. Vì trong mỗi hoạn nạn con dân Chúa sẽ cảm nhận được Chúa gần mình càng hơn, cảm thấy mình trở nên giống Chúa càng hơn, và đặc biệt là cảm biết rằng mình đã có thể đáp đền lại được phần nào sự hy sinh Chúa dành cho mình.

"Ngày vinh quang của Ngài hiện ra": là ngày Đấng Christ đến đón Hội Thánh ra khỏi thế gian, vinh quang của Ngài sẽ được bày tỏ cho Hội Thánh nhìn thấy rõ. Khi ấy con dân Chúa được vui mừng lớn vì biết rằng từ giờ phút ấy mình sẽ hoàn toàn được yên nghỉ trong Chúa. Thời điểm ấy không còn xa nữa!

14 Nếu như các anh chị em vì danh Đấng Christ chịu sỉ nhục, thì các anh chị em có phước; vì Đấng Thần Linh của sự vinh quang và của Đức Chúa Trời ngự trên các anh chị em [Ê-sai 11:2]. Thực tế, đối với họ, Ngài bị nói phạm thượng; đối với các anh chị em, Ngài được tôn vinh.

Câu 14: Con hiểu rằng, thiết nghĩ dù không tin nhận Chúa thì một người vẫn phải chịu nhiều khốn khổ khi sống giữa thế gian đầy dẫy tội lỗi, rồi khi qua đời lại phải chịu khổ đời đời trong hỏa ngục. Trong khi ấy, việc đặt đức tin nơi Chúa sẽ khiến một người được vui sống bình an trong tâm thần. Dù phải gặp những khó khăn, hoạn nạn, bị bách hại nhưng rồi cũng chóng qua, khi qua đời người ấy sẽ mãi mãi yên nghỉ bình an bên cạnh Chúa.

"Đối với họ, Ngài bị nói phạm thượng": khi người đời bách hại con dân Chúa là bách hại chính Đấng Christ (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:4), khi họ sỉ nhục con dân Chúa là phạm thượng đến Đấng Thần Linh đang ngự trong con dân Chúa.

"Đối với các anh chị em, Ngài được tôn vinh": Đấng Thần Linh được tôn vinh qua con dân Chúa bằng hai hình thức, thứ nhất là sự đối đáp khôn sáng khi bị chính quyền bách hại vì mọi lời khôn sáng ấy là ra từ Ngài (Ma-thi-ơ 10:19-20), thứ hai là qua nếp sống đầy dẫy sự vui tươi, bình an dù gặp phải nhiều khó khăn.

15 Trong các anh chị em chớ có ai chịu khổ như kẻ giết người, như kẻ trộm cướp, như kẻ hung ác, như kẻ vô cớ can dự vào việc của người khác.

Câu 15: Con hiểu rằng, chớ chịu khổ "như kẻ vô cớ can dự vào việc của người khác" nghĩa là đừng can thiệp vào việc của người khác nếu không cần thiết, để tránh những việc rắc rối không đáng có, như một Lời khác Chúa dạy trong Châm Ngôn 26:17:

"Kẻ nào đi qua đường mà nổi giận về cuộc cãi lẫy không can đến mình, khác nào kẻ nắm con chó nơi vành tai."

Việc của con dân Chúa là lo làm tròn mọi bổn phận đối với Chúa, tập trung vào công tác rao giảng Tin Lành của Hội Thánh.

16 Nhưng nếu có ai vì làm tín đồ Đấng Christ mà chịu khổ, thì đừng hổ thẹn, nhưng hãy vì thế mà tôn vinh Đức Chúa Trời.
17 Vì thời kỳ đã đến, là khi sự phán xét bắt đầu từ nhà của Đức Chúa Trời; và nếu từ chúng ta trước, thì sự cuối cùng của những kẻ chẳng vâng theo Tin Lành của Đức Chúa Trời sẽ ra thế nào?
18 Và nếu người công chính còn khó được cứu, thì những kẻ không tin kính và có tội sẽ như thế nào?

Từ câu 16 đến 18: Con hiểu rằng, "sự phán xét bắt đầu từ nhà của Đức Chúa Trời" là sự phán xét trong Hội Thánh, bắt đầu từ khi Hội Thánh được thành lập, mà sự kiện đầu tiên là sự Chúa hình phạt hai vợ chồng A-na-nia và Sa-phi-ra, vì phạm tội thông đồng với nhau nói dối Đức Chúa Trời (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:1-10). Sự kiện điển hình sau đó là lời Đấng Christ gửi cho bảy Hội Thánh địa phương ở xứ Tiểu Á, mà trong đó có năm Hội Thánh địa phương bị Chúa quở trách.

Điểm đáng chú ý là lời Đấng Christ gửi cho Hội Thánh tại Ê-phê-sô. Mặc dù Hội Thánh Ê-phê-sô đã hầu việc Chúa trong sự khó nhọc, nhẫn nại, nghiêm khắc giữ gìn sự thánh khiết của Hội Thánh, khôn sáng trong sự nhận biết các sứ đồ giả, nhưng Chúa vẫn trách họ đã bỏ tình yêu ban đầu. Nghĩa là, họ xuất phát bằng tình yêu nhưng lâu dần thì chỉ còn phụng sự Chúa bằng bổn phận. Làm việc bằng bổn phận mà không bằng tình yêu sẽ khiến một người dần trở nên mệt mỏi. Nếu không kịp thời ăn năn và tìm lại tình yêu ban đầu thì sẽ dần sa ngã, phạm tội, tội đầu tiên dễ phạm là thất trách trong công việc nhà Chúa. Đó chính là ý nghĩa của câu "nếu người công chính còn khó được cứu, thì những kẻ không tin kính và có tội sẽ như thế nào?"

19 Vậy, những ai chịu khổ theo ý muốn của Đức Chúa Trời, hãy cứ làm lành mà phó linh hồn mình cho Đấng Tạo Hóa Thành Tín.

Câu 19: Con hiểu rằng, như Lời Chúa phán trong Ma-thi-ơ 10:28:

"Đừng sợ những kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn. Nhưng thà sợ Đấng hủy diệt được cả linh hồn và thân thể trong hỏa ngục."

Thế gian và ma quỷ chỉ có thể làm hại được thân thể nhưng không thể giết được linh hồn của con dân Chúa. Sự đáng phải sợ bị chết thuộc linh, là linh hồn bị cắt đứt khỏi mối tương giao với Thiên Chúa, phải sống trong bất hạnh, đau khổ. Vì thế, sự chịu khổ theo ý muốn của Đức Chúa Trời là điều đáng để con dân Chúa hy sinh.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Hôm nay, con có dịp đi đường qua đèo, con nghĩ rằng cuộc sống bước đi với Chúa trên đất này tuy nhiều vất vả nhưng cũng đầy niềm vui, như những cánh rừng cũng trải nhiều gió bão nhưng vẫn xanh tươi. A-men.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú

...

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ