Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Nguyễn Ngọc Tú: I Giăng 1:1-4 Lẽ Thật về Ngôi Lời Nhập Thế Làm Người

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã ban cho gia đình con một ngày bình an và có một buổi đi dã ngoại vui vẻ cùng các anh chị em của con. Con cảm tạ Cha vì giờ này Ngài ban cho con có thời gian yên tĩnh để cầu nguyện và viết bài suy ngẫm. Con xin ghi lại sự suy ngẫm của con về phân đoạn I Giăng 1:1-4.

1 Đấng có từ ban đầu, là Đấng chúng tôi đã nghe, Đấng mắt chúng tôi đã thấy, Đấng chúng tôi đã ngắm, và tay chúng tôi đã chạm đến, thuộc về Ngôi Lời của Sự Sống.

Câu 1: Thưa Cha, con hiểu rằng, từ "ban đầu" trong câu này giống với từ "ban đầu" trong sách Tin Lành Giăng cũng do Sứ Đồ Giăng viết, là thời điểm từ trước vô cùng. "Đấng có từ ban đầu" là ở thời điểm từ trước vô cùng Ngôi Lời, cùng Đức Chúa Trời và Đấng Thần Linh, cùng tự nhiên có. Loài người chỉ có thể dùng đức tin mà tiếp nhận sự tự nhiên có của Thiên Chúa và cảm nhận được phần nào đó qua các hiện tượng tự nhiên. Thí dụ như khi đứng trong một căn phòng hoàn toàn không có ánh sáng, sau đó cả căn phòng được bật đèn sáng thì một người có thể cảm nhận được sự các đồ vật từ không thấy gì đột nhiên xuất hiện trong tầm mắt của mình. Nhưng loài người không có cách nào để kinh nghiệm hay thấu hiểu được sự tự nhiên có của Thiên Chúa.

Mỗi lần đọc đến câu mở đầu của sách I Giăng và câu Giăng 1:14, con đều cảm thấy chữ "ngắm" của Sứ Đồ Giăng chứa đựng thật nhiều cảm xúc. Con hiểu rằng, Giăng dùng chữ "ngắm" để diễn tả sự ông thích thú, say mê, thưởng thức mọi lời nói, hành động của Chúa. Trong tâm trí con, chữ "ngắm" này làm con nhớ đến lúc nhỏ mình say mê ngồi nghe người lớn kể chuyện.

"Chúng tôi đã nghe, đã thấy, đã ngắm, đã chạm đến": là Giăng nói đến những môn đồ đi theo Chúa trước khi Chúa thăng thiên. Tất cả họ đã được ban cho một ơn phước rất lớn, là được trực tiếp nghe Ngài giảng dạy, thấy Ngài làm ra những phép lạ, nhìn ngắm sự vinh quang của Ngài (như Phi-e-rơ, Giăng, Gia-cơ ngắm xem Chúa hóa hình trên núi). Họ có nhiều cơ hội chạm đến Ngài những lúc ngủ chung với Ngài, ăn chung với Ngài, cùng làm việc chung với Ngài, trên hành trình Ngài đi rao giảng Tin Lành.

"Thuộc về Ngôi Lời của Sự Sống": bản thân con thấy nhóm chữ này thật ý nghĩa, đặc biệt là khi được viết bởi Sứ Đồ Giăng. Con hiểu rằng, mọi lời nói, cử chỉ, thái độ của Chúa đều mang một nét rất đặc biệt, đều bày tỏ tình yêu, sự công chính, và sự thánh khiết của Thiên Chúa. Nét đặc biệt ấy chỉ thuộc riêng về Thiên Chúa Ngôi Lời, mà chỉ có người nào thật sự yêu Chúa mới cảm nhận được. Giống các em bé mới tập bò thôi nhưng đã nhận biết rõ ràng về mẹ của chúng, cho dẫu có khi mẹ chúng trùm kín mặt, nhưng chỉ cần nhìn qua dáng đi hoặc lời nói thì chúng liền biết đó là mẹ mình. Ngôi Lời được gọi là "Ngôi Lời của Sự Sống" vì Ngài chính là Sự Sống (Giăng 11:25, 14:6).

2 Vì Sự Sống đã hiện ra, chúng tôi có thấy, và làm chứng cho, và rao truyền cho các anh chị em rằng, Sự Sống Vĩnh Cửu vốn ở cùng Đức Cha, và đã hiện ra cho chúng tôi.

Câu 2: Con hiểu rằng, tiếp theo câu 1, Giăng viết "Sự Sống đã hiện ra" là ông muốn nhấn mạnh đến sự kiện Thiên Chúa Ngôi Lời đã hiện ra giữa thế gian trong một thân thể xác thịt của loài người, trở nên một người hoàn toàn. Vì thế mà ông và các môn đồ đi bên cạnh Chúa mới có cơ hội "nghe, thấy, ngắm, và chạm đến" Ngài.

3 Chúng tôi lấy điều chúng tôi đã thấy, đã nghe mà truyền cho các anh chị em, để cho các anh chị em cũng được giao thông với chúng tôi. Mà sự giao thông của chúng tôi là với Đức Cha và với Con Ngài là Đức Chúa Jesus Christ.

Câu 3: Con hiểu rằng, "chúng tôi lấy điều chúng tôi đã thấy, đã nghe mà truyền cho các anh chị em" nghĩa là các môn đồ ban đầu của Chúa đã tích cực rao truyền về Chúa sau khi Ngài thăng thiên. Sự rao truyền của họ đã giúp cho những người nghe họ và tiếp nhận Tin Lành được tháp vào Hội Thánh, được giao thông hiệp một với nhau trong Chúa.

Giăng gọi sự con dân Chúa thông công với nhau là thông công với Đức Cha và Đức Chúa Jesus Christ vì tất cả thuộc về một gia đình hoàng gia. Trong đó có Đức Chúa Trời là Cha, Đức Chúa Jesus Christ là anh cả, mỗi con dân Chúa là con của Đức Chúa Trời và là em của Đức Chúa Jesus Christ.

4 Chúng tôi viết những điều này, để cho sự vui mừng của chúng tôi được đầy dẫy.

Câu 4: Con hiểu rằng, sự Giăng và các bạn của ông được nghe, thấy, ngắm, và chạm đến Chúa là một ơn phước vô cùng lớn lao, mang đến sự vui mừng lớn. Nhưng để cho sự vui mừng ấy được đầy dẫy thì ông và các bạn của ông tiếp tục rao giảng về Chúa cho nhiều người. Nhóm chữ "sự vui mừng đầy dẫy" làm con hình dung rằng mỗi khi Giăng nói về Chúa cho người khác thì ánh mắt, khuôn mặt ông đều toát lên sự vui tươi, rạng ngời.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Giờ đây nguyện xin Cha tiếp tục ban ơn cho buổi làm việc tối nay của con. Con cảm tạ Cha. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú

...

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ