Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Nguyễn Ngọc Tú: Hê-bơ-rơ 7:1-12 Đấng Christ Là Thầy Tế Lễ Đời Đời và Trọn Vẹn – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã gìn giữ và ban cho gia đình con một ngày Chủ Nhật bình an. Con cảm tạ Cha vì giờ này Ngài cũng ban cho con có thời gian yên tĩnh đến với Ngài và Lời của Ngài. Con xin ghi lại những điều con suy ngẫm về phân đoạn Hê-bơ-rơ 7:1-12.

1 Vì Mên-chi-xê-đéc đó, vua của Sa-lem, thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Chí Cao, đã gặp Áp-ra-ham lúc ông đang quay về từ cuộc tàn sát các vua, và chúc phước cho ông.
2 Và Áp-ra-ham đã phân chia một phần mười về mọi vật cho người. Thật ra, trước hết, tên của người được giải nghĩa là Vua Công Chính, kế tiếp, Vua của Sa-lem tức là Vua Bình An.

Câu 1 và 2: Thưa Cha, con hiểu rằng, Phao-lô bắt đầu giãi bày về địa vị Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Đời Đời của Đấng Christ với việc nhắc lại Sáng Thế Ký 14, về sự kiện Áp-ra-ham đánh thắng liên minh bốn vua, giải cứu Lót, và thu về đủ hết những tài vật của dân Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Khi Áp-ra-ham trở về sau chiến trận, Thầy Tế Lễ Mên-chi-xê-đéc đã đem bánh và rượu ra tiếp đón ông, và chúc phước cho ông. Sau đó, Áp-ra-ham đã dâng một phần mười về mọi tài vật mình cho Thầy Tế Lễ Mên-chi-xê-đéc.

Đức Thánh Linh qua Phao-lô giãi bày cho con dân Chúa biết tên, chức vụ, danh hiệu của Mên-chi-xê-đéc đều là tiêu biểu cho Đấng Christ:

- Mên-chi-xê-đéc nghĩa là Vua Công Chính, danh hiệu là Vua Bình An. Đấng Christ cũng là Vua Công Chính và Vua Bình An.
- Mên-chi-xê-đéc là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Chí Cao. Đấng Christ cũng là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Chí Cao.

3 Không cha, không mẹ, không gia phả, không có những ngày bắt đầu, không có những ngày cuối cùng của đời sống, nhưng được làm giống như Con của Đức Chúa Trời, cứ tiếp tục là thầy tế lễ.
4 Hãy nghĩ xem! Người vĩ đại biết bao! Người mà chính tổ phụ Áp-ra-ham đã dâng một phần mười của chiến lợi phẩm.

Câu 3 và 4: Qua hai câu này và qua lời chú giải của người chăn, con cũng tin rằng Thầy Tế Lễ Mên-chi-xê-đéc là Thiên Chúa Ngôi Lời hiện ra trong hình thể của một người, vì chỉ có Thiên Chúa mới có thể cùng lúc mang các đặc tính: không cha, không mẹ, không gia phả, không có những ngày bắt đầu, không có những ngày cuối cùng của đời sống, làm thầy tế lễ đời đời.

Vì Áp-ra-ham cũng thường có thói quen lập bàn thờ thờ phượng Chúa (Sáng Thế Ký 12:7-8; 13:18) nên việc Thiên Chúa Ngôi Lời hiện ra trong địa vị Thầy Tế Lễ Mên-chi-xê-đéc để đón Áp-ra-ham có thể là vì Ngài đã biết trước là Áp-ra-ham sẽ dâng tế lễ để cảm tạ Ngài. Ngài muốn trực tiếp đón nhận sự thờ phượng và dâng tế lễ của Áp-ra-ham. Đó là một sự khích lệ lớn cho tấm lòng trung tín của Áp-ra-ham.

5 Thực tế, những người thuộc con cháu của Lê-vi nhận chức thầy tế lễ, theo luật pháp, có điều răn cho phép nhận lấy một phần mười của dân. Đó là của anh chị em cùng tổ phụ của họ, vì họ cũng ra từ lòng của Áp-ra-ham.
6 Nhưng người không được kể là cùng gia tộc với họ, đã nhận một phần mười của Áp-ra-ham và chúc phước cho người có lời hứa.
7 Người bậc cao chúc phước cho người bậc thấp là điều không cãi được.
8 Thực tế ở đây: Những người thu nhận một phần mười đều là những người chết; nhưng đằng kia, được làm chứng cho là người đang sống.
9 Vậy, có thể nói một lời như thế này: Lê-vi, người thu nhận một phần mười cũng nộp một phần mười, qua Áp-ra-ham.
10 Vì Lê-vi vẫn còn ở bên trong hông của tổ phụ mình, khi Mên-chi-xê-đéc gặp ông ấy.

Từ câu 5 đến câu 10: Con hiểu rằng, qua sáu câu này Phao-lô có ý nhấn mạnh chức vụ thầy tế lễ của Đấng Christ là cao trọng hơn bội phần so với chức vụ thầy tế lễ theo dòng Lê-vi:

- Các thầy tế lễ dòng Lê-vi được nhận lấy một phần mười của dân dâng lên Thiên Chúa. Mà một phần mười các món dân I-sơ-ra-ên dâng lên Thiên Chúa luôn là sản vật quý nhất, có giá trị nhất. Điều này mang ý nghĩa: thầy tế lễ dòng Lê-vi nhận được sự tôn trọng của dân I-sơ-ra-ên, nhưng Thầy Tế Lễ Mên-chi-xê-đéc còn hơn thế nữa, nhận được sự tôn trọng của chính tổ phụ của những thầy tế lễ dòng Lê-vi.
- Sự kiện Áp-ra-ham dâng một phần mười về mọi tài vật mình và nhận sự chúc phước từ Thầy Tế Lễ Mên-chi-xê-đéc, có nghĩa là Mên-chi-xê-đéc ở địa vị cao trọng hơn Áp-ra-ham.
- Các thầy tế lễ dòng Lê-vi đều là những người chết, nhưng chức vụ thầy tế lễ của Đấng Christ là mãi mãi.

11 Vậy, nếu thực tế sự trọn vẹn là bởi chức thầy tế lễ của người Lê-vi, vì dựa trên nó mà dân chúng được phê chuẩn bởi luật pháp, thì cần gì thêm một thầy tế lễ khác, lập theo ban Mên-chi-xê-đéc, mà không được gọi theo ban A-rôn?

Câu 11: Con hiểu rằng, Phao-lô giải thích rằng chức vụ thầy tế lễ dòng Lê-vi ban A-rôn là không trọn vẹn. Bởi vì, bản thân các thầy tế lễ cũng phải hàng năm dâng sinh tế chuộc tội cho chính mình và cứ mỗi lần phạm tội thì người dân phải dâng sinh tế chuộc tội, để được luật pháp phê chuẩn là người công chính. Chính vì thế mà loài người cần một thầy tế lễ theo ban Mên-chi-xê-đéc để dâng sinh tế chuộc tội một lần đủ cả và làm sạch được bản tính ham thích tội lỗi trong mỗi người.

12 Vì chức thầy tế lễ đã thay đổi thì cũng cần có sự thay đổi về luật pháp.

Câu 12: Con hiểu rằng, "sự thay đổi về luật pháp" khi chức thầy tế lễ thay đổi không có nghĩa là thay đổi hay bỏ đi các điều răn của Thiên Chúa, mà là thay đổi về hình thức dâng sinh tế và hình phạt cho sự phạm tội. Trong thời Tân Ước, thì mọi hình phạt của luật pháp đều được Đức Chúa Jesus Christ gánh thay cho loài người, và con dân Chúa cũng không cần dâng sinh tế chuộc tội nữa. Tuy nhiên, những ai không ăn năn và không tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì họ sẽ bị phán xét về mỗi việc làm của họ trong ngày phán xét chung cuộc.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Con cảm tạ Cha vì địa vị thầy tế lễ theo ban Mên-chi-xê-đéc mà Ngài ban cho con. Mỗi khi suy tưởng về việc phụng sự Thiên Chúa trong chức vụ thầy tế lễ trong đền thờ trên trời lòng con đều thấy hân hoan, thấy địa vị ấy thật cao trọng. Nguyện xin Cha giúp con sống trung tín với Ngài cho đến cuối cùng. 

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú

...

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ