Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Nguyễn Ngọc Tú: I Ti-mô-thê 2:1-7 Sự Tương Giao với Chúa, Đấng Trung Bảo

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã ban cho gia đình con một ngày bình an. Con cảm tạ Cha tối hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong I Ti-mô-thê 2:1-7. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

1 Vậy, ta khuyên rằng, trước hết, hãy làm những sự khẩn xin, những sự cầu nguyện, những sự hiệp nguyện, những sự tạ ơn cho mọi người,
2 cho các vua, cho hết thảy các bậc cầm quyền, để chúng ta được sống một đời yên tĩnh và bình an trong mọi sự tin kính và thành thật.

Câu 1 và 2: Thưa Cha, con hiểu rằng, chữ "vậy" đầu câu 1 là Phao-lô tóm lại về nội dung ông nói với Ti-mô-thê trong đoạn 1 từ câu 12 đến 20, về lòng thương xót của Thiên Chúa. Con hiểu ý của Phao-lô là, bởi vì Thiên Chúa đã thương xót ông và Ti-mô-thê, nên ông khuyên Ti-mô-thê cũng giữ lòng thương xót đối với tất cả mọi người, với các vua, các bậc cầm quyền. Lòng thương xót ấy cần thể hiện thành những việc làm cụ thể như: dâng lời khẩn xin, cầu nguyện, hiệp nguyện, và tạ ơn. 

Những sự khẩn xin là cầu xin một cách tha thiết cho ai đó, cho một nan đề nào đó, thí dụ như: khẩn xin Chúa đụng chạm tấm lòng của các bậc cầm quyền để họ thi hành sự cầm quyền một cách công chính, đem lại ích lợi cho địa phương họ cai quản, theo đúng thiên chức mà Chúa ban họ.

Những sự cầu nguyện là những lời tâm tình, dâng trình lên Chúa những nan đề, thí dụ như: xin Chúa ban ơn cho mưa thuận gió hòa, năm nay mùa màng bội thu để đời sống người dân bớt cơ cực. 

Những sự hiệp nguyện là sự Hội Thánh cùng nhau cầu nguyện cho một ai, một nan đề nào đó.

Những sự tạ ơn là cảm tạ về mọi ơn thương xót Chúa ban cho dân tộc, quê hương của mình, điển hình như: cảm tạ Chúa vẫn từng lúc ban ơn cho Hội Thánh người Việt trong công tác rao giảng Tin Lành cho dân tộc Việt Nam.

3 Ấy là một sự lành và đẹp mắt Thiên Chúa, Đấng Giải Cứu của chúng ta,

Câu 3: Con hiểu rằng, sự khẩn xin, cầu nguyện, hiệp nguyện, và tạ ơn là "một sự lành và đẹp mắt Thiên Chúa" bởi vì qua điều ấy mà con dân Chúa bày tỏ được lòng thương xót của mình đối với thế nhân, giống như Chúa vậy. 

4 Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật.

Câu 4: Thưa Cha, đây là câu Thánh Kinh con cũng hay trích dẫn trong các bài viết, mà mỗi lần đọc đến con lại cảm nhận được thêm về tình yêu bao la của Ngài. Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi, nhưng sự "muốn" này không phải chỉ nằm trong tâm trí của Ngài mà Ngài đã làm ra mọi sự có thể để mang mọi người đến với sự cứu rỗi của Ngài. Không những vậy, sau khi một người tiếp nhận ơn cứu rỗi thì Ngài tiếp tục dẫn họ đến với tri thức về lẽ thật, nghĩa là có được sự hiểu biết về mọi điều sâu nhiệm trong Thánh Kinh. Tri thức về lẽ thật sẽ mang lại niềm vui sống và một sức sống mãnh liệt cho người có lòng tin kính Chúa. 

5 Vì có một Thiên Chúa và có một Đấng Trung Bảo của Thiên Chúa và của loài người: Người Christ Jesus!

Câu 5: Con hiểu rằng, Đấng Trung Bảo là Đấng bảo lãnh giữa Thiên Chúa và loài người. Ngài bảo lãnh một người trước Đức Chúa Trời bằng cách dùng mạng sống của mình trả giá cho mọi sự người ấy vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời, với điều kiện người ấy phải thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài. Đồng thời Ngài cũng bảo lãnh cho mọi lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ được hoàn thành trên người thật lòng tin nhận và vâng phục Ngài. 

Để có thể đảm bảo được vai trò của một Đấng Trung Bảo thì Ngài phải vừa là Thiên Chúa, vừa là loài người. Vì chỉ có mạng sống của Thiên Chúa mới là vô hạn để có thể chết thay cho tất cả mọi người. Đồng thời Ngài cũng phải hoàn toàn là người thì mới có thể chết được. Vì thế nên Đức Thánh Linh đã thần cảm cho Sứ Đồ Phao-lô dùng danh xưng "Người Christ Jesus" ở cuối câu, để nhấn mạnh đến hai ý nghĩa: (1) Ngài mang bản thể loài người 100%, (2) Ngài đã thi hành chức vụ Christ trong thể trạng 100% là loài người. Sự Ngài làm ra được các phép lạ là bởi năng lực của Đấng Thần Linh, không phải bởi năng lực trong bản thể Thiên Chúa của Ngài.

6 Đấng đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người. Ấy là lời chứng trong đúng thời điểm của nó.
7 Vì lời chứng ấy, ta đã được chỉ định làm người rao giảng và sứ đồ, ta nói thật trong Đấng Christ, ta không nói dối, làm giáo sư cho các dân ngoại trong đức tin và lẽ thật.

Câu 6 và 7: Con hiểu rằng, thời điểm được nói đến trong câu 6 là kể từ lúc Hội Thánh được thành lập cho đến khi Đấng Christ được cất ra khỏi thế gian, đó là thời gian Chúa dùng Hội Thánh để làm chứng về Ngài cho khắp thế gian. Vì thế nên Phao-lô viết tiếp câu 7, là ông được Chúa lựa chọn và giao phó cho chức vụ rao giảng và sứ đồ, để qua ông Tin Lành được rao truyền cho các dân ngoại. 

Chữ "các dân ngoại" không chỉ bao gồm các dân tộc ở các nơi mà Phao-lô có dịp đến trực tiếp đến rao giảng, mà còn bao gồm các dân ngoại ở khắp nơi trong khắp mọi thời đại, trong đó có dân tộc Việt Nam. Vì chắc chắn rằng, những người giảng Tin Lành sau ông đi đến đâu thì những lời Phao-lô đang viết đây cũng được rao đến đó. 

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Con cảm tạ Cha vì hôm nay có dịp đi công việc đi ngang qua đèo, con lại có những phút giây chìm đắm trong sự suy ngẫm về Ngài và ngắm nhìn quang cảnh thật đẹp. Nguyện xin Cha tiếp tục ban ơn cho các công việc còn lại của con trong tối hôm nay. Con cảm tạ Cha. A-men.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ