Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Nguyễn Ngọc Tú: I Phi-e-rơ 5:7-14 Ba Lời Khuyên Quan Trọng

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã gìn giữ gia đình con qua một ngày bình an. Con cảm tạ Cha vì giờ này Ngài ban cho con có thời gian yên tĩnh để đến với Ngài và viết bài suy ngẫm. Con xin ghi lại sự hiểu của con về phân đoạn I Phi-e-rơ 5:7-14.

7 Hãy trao mọi điều lo lắng của các anh chị em cho Ngài, vì Ngài chăm sóc các anh chị em.

Câu 7: Thưa Cha, con hiểu rằng, ngoài những nỗi lo lắng chung như người thế gian, con dân Chúa còn phải chịu đựng thêm sự bách hại của người thế gian, nên nỗi lo lắng càng nhiều thêm. Tính đến thời điểm viết lá thư này (khoảng năm 66) thì Sứ Đồ Phi-e-rơ đã bước đi với Chúa gần 40 năm, ông thấu hiểu những nỗi khổ mà con dân Chúa phải trải qua. Vì thế ông khuyên con dân Chúa hãy trao mọi điều lo lắng của mình cho Chúa. Vì ông hiểu rõ rằng, Chúa là Đấng đón nhận mọi nỗi lo lắng và giải quyết cho con dân của Ngài. Và không một ai có thể bởi sức riêng của mình mà có thể giải quyết được hết các nỗi lo lắng của mình.

8 Hãy tỉnh thức và cảnh giác! Kẻ thù nghịch các anh chị em là Ma Quỷ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh các anh chị em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được.

Câu 8: Con hiểu rằng, "hãy tỉnh thức" là luôn giữ mình trong trạng thái sáng suốt, không để cho bản thân mê muội bất cứ sự gì thuộc về thế gian. Tỉnh thức còn là không để cho mình rơi vào hoang mang, lo lắng, sợ hãi trước những nghịch cảnh.

"Hãy cảnh giác" là luôn cẩn thận quan sát, chú ý, canh chừng những mối nguy hiểm có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

Sự tỉnh thức và cảnh giác của con dân Chúa là tỉnh thức và cảnh giác trước các mưu kế của ma quỷ, nhằm lôi kéo mình ra xa khỏi Chúa. Phương cách duy nhất để nhận biết các mưu kế của ma quỷ là siêng năng thực hành Giô-suê 1:8. Để giữ mình không lạc xa khỏi bầy thì con dân Chúa cần thường xuyên thông công với Chúa và các anh chị em trong Hội Thánh.

9 Những người đứng vững trong đức tin mà chống cự nó, biết rằng các anh chị em mình ở rải khắp thế gian, cũng cùng chịu hoạn nạn như mình.
10 Nhưng Đức Chúa Trời của mọi ơn đã gọi các anh chị em đến sự vinh quang vĩnh cửu của Ngài bởi Đấng Christ Jesus, thì sau khi các anh chị em tạm chịu khổ, sẽ làm cho các anh chị em trọn vẹn, vững vàng, được thêm sức, và vững lập.

Câu 9 và 10: Con hiểu rằng, là con dân chân thật của Chúa thì đương nhiên bị thế gian tìm cách bách hại vì thế gian vốn ghét Chúa và Lời Chúa. Điều đáng sợ hơn là con dân Chúa bị ghen ghét và bách hại bởi chính những người xưng nhận mình tin Chúa, mà Phao-lô gọi đó là "nguy giữa những anh chị em giả dối". Con dân chân thật của Chúa thì ai cũng trải qua những sự hoạn nạn nên cảm nhận được sự chịu khổ của nhau.

Tuy nhiên, con dân chân thật của Chúa thì có niềm an ủi lớn vì biết rằng Đấng mình vâng phục là "Đức Chúa Trời của mọi ơn", vì Ngài sẽ ban mọi ơn để con dân Chúa có thể chịu đựng được những nỗi khổ tạm thời trong đời này.

11 Nguyện vinh quang và quyền thế thuộc về Ngài cho tới đời đời! A-men!
12 Tôi nhờ Si-la, là người tôi xem là một anh em cùng Cha, trung tín đối với các anh chị em, viết mấy lời khuyên các anh chị em và làm chứng với các anh chị em rằng, ấy là ơn thật của Đức Chúa Trời, các anh chị em phải đứng vững trong đó.
13 Hội Thánh tại Ba-bi-lôn, được chọn với các anh chị em, chào các anh chị em, con tôi là Mác cũng vậy.

Từ câu 11 đến 13: Con hiểu rằng, theo câu 13 thì lúc này Phi-e-rơ đang ở thành Ba-bi-lôn, thuộc xứ Mê-sô-bô-ta-mi, nằm trong lãnh thổ của Đế Quốc Parthia. Có lẽ Phi-e-rơ, Si-la, và Mác đến đây là để trốn khỏi cơn bách hại con dân Chúa của chính quyền La-mã, do Hoàng Đế Nê-rô phát động.

Những lời trong thư được Phi-e-rơ gọi là "lời khuyên và làm chứng" là lời khuyên con dân Chúa hãy chịu khổ vì danh Chúa và làm chứng rằng sự chịu khổ ấy là một ơn phước thật. Sự chịu khổ của con dân Chúa quả thật là một ơn phước vì trong khi chịu khổ thì con dân Chúa kinh nghiệm được sự quan phòng của Thiên Chúa. Đó cũng là nguyên cớ để con dân Chúa nhận được những vinh quang to lớn trong đời sau.

14 Các anh chị em hãy lấy cái hôn yêu thương mà chào nhau. Nguyện sự bình an ở cùng hết thảy các anh chị em là những người ở trong Đấng Christ Jesus! A-men!

Câu 14: Theo các bài giảng của người chăn, con hiểu rằng sự chào bằng nụ hôn ở đây là theo phong tục của các dân miền Trung Đông. Nhưng Chúa không ra lệnh cho con dân Chúa hôn nhau, mà ra lệnh con dân Chúa thể hiện tình yêu với nhau bằng một hành động cụ thể. Vì thế, hành động ấy tùy theo phong tục của mỗi thời đại, mỗi dân tộc, và cá tính của mỗi người. Con dân Chúa người Việt Nam không có thói quen chào nhau bằng nụ hôn thì có thể thay thế bằng hình thức nắm hai tay của nhau. Điều quan trọng là sự thể hiện tình yêu phải xuất phát từ tấm lòng yêu thương nhau chân thật.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Giờ này, nguyện xin Cha tiếp tục ban ơn cho buổi làm việc tối nay của con. Cộng thêm việc dạy học cho các con, con thấy thời gian của mình mỗi ngày một ít lại, nguyện xin Đức Thánh Linh ban cho con sự khôn sáng để xử lý công việc được nhanh chóng, hiệu quả. A-men.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú

...

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ