Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Nguyễn Ngọc Tú: Rô-ma 10:14-21 Tin Lành và Sự Bội Nghịch của Dân I-sơ-ra-ên

14 Nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng mà họ chưa tin? Nhưng làm sao họ tin Đấng mà họ chưa nghe đến? Nhưng làm sao họ nghe khi không có người rao giảng?
15 Nhưng làm sao những người ấy rao giảng trừ khi họ được sai đi? Như có chép: Những bàn chân của những người rao truyền Tin Lành của Sự Bình An và Tin Lành của Sự Tốt Đẹp là xinh đẹp biết bao! [Ê-sai 52:7]
16 Nhưng chẳng phải mọi người đều vâng phục Tin Lành đâu; vì Ê-sai có nói: Lạy Chúa! Ai tin lời rao giảng của chúng tôi? [Ê-sai 53:1]
17 Như vậy, đức tin đến bởi sự nghe, là sự nghe tiếng phán của Thiên Chúa.
18 Nhưng tôi hỏi: Có phải là họ chưa nghe chăng? Trái lại, tiếng của những sứ giả đã vang khắp đất, và lời của những sứ giả đã đạt đến các nơi tận cùng của thế gian. [Thi Thiên 19:4]
19 Tôi lại hỏi: Dân I-sơ-ra-ên chẳng biết sao? Trước hết, Môi-se đã nói: Ta sẽ giục lòng ganh tị của các ngươi bởi những kẻ chẳng phải là một quốc gia. Ta sẽ chọc giận các ngươi bởi một quốc gia ngu dại. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:21]
20 Và Ê-sai đã bạo dạn mà nói: Ta đã được tìm gặp bởi những kẻ chẳng tìm kiếm Ta! Ta đã được tỏ ra cho những kẻ chẳng cầu hỏi Ta! [Ê-sai 65:1]
21 Nhưng về dân I-sơ-ra-ên thì ông nói: Ta đã giơ tay ra cả ngày, hướng về dân tộc không vâng phục và hay nói nghịch. [Ê-sai 65:2]

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha hôm nay Ngài lại ban cho con có thời gian để đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Rô-ma 10:14-21. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

Thưa Cha, con thấy câu 15 thật hay khi miêu tả bàn chân của những người rao truyền Tin Lành. Bàn chân dùng để bước đi, mà mỗi bước đi tiêu biểu cho từng nếp sống, nên con hiểu sự xinh đẹp ở đây là nói về nếp sống tin kính Chúa, chịu khó chịu khổ trong khi rao giảng Tin Lành. Qua Thánh Kinh và qua các câu chuyện đọc được, bản thân con cũng cảm nhận được những người rao giảng Tin Lành thật sự phải chịu nhiều những cực khổ, thân thể hao mòn, đau đớn vì chịu nhiều sự tra tấn, bách hại, nhưng những "bàn chân" của họ thật xinh đẹp. Xinh đẹp bởi vì mỗi bước chân ấy đã đem tới niềm vui bình an cho những người tiếp nhận Tin Lành. Sự rao giảng Tin Lành không chỉ thuộc riêng về chức vụ sứ đồ, giảng Tin Lành, mà là linh vụ của mỗi thánh đồ (Ma-thi-ơ 28:19). Trong Hội Thánh sẽ có những người được Chúa biệt riêng để chuyên tâm đi khắp nơi rao giảng Tin Lành, nhưng mỗi thánh đồ đều có bổn phận rao giảng Tin Lành trong chính địa phương của mình, cho những người lân cận mình. Tin Lành được gọi là Tin Lành của Sự Bình An và của Sự Tốt Đẹp vì là tin tức tốt lành đem đến cho người tiếp nhận biết rằng họ đã được Đức Chúa Trời tha thứ những tội lỗi, không còn gánh chịu hậu quả và sự khống chế của tội lỗi; sự tốt đẹp là từ nay họ được Chúa tái sinh, ban cho năng lực để sống đẹp lòng Chúa, nhận được lời hứa về sự sống đời đời, và những điều tốt đẹp của đời sau.

Bản thân con cảm nhận được sự tốt đẹp của Tin Lành là khi nhận biết được sống cho Chúa là mục đích tốt đẹp nhất của đời người. Trong cuộc đời cũ, việc không tìm được mục đích sống của đời mình là nỗi khổ dằn vặt con suốt. Con nghĩ, chỉ khi một người tiếp nhận Tin Lành thì người ấy mới trả lời được ba câu hỏi lớn nhất của đời mình: Mình đến từ đâu? Mình sống để làm gì? Khi qua đời mình sẽ đi về đâu?

Thưa Cha, con hiểu câu 17 như sau: Sự nghe tiếng phán của Thiên Chúa không phải là nghe trực tiếp mà là trong lúc được nghe giảng, làm chứng về Tin Lành bởi các sứ đồ, những người giảng Tin Lành, thì người nghe được cảm động trong lòng và tiếp nhận Tin Lành. Hay còn gọi là nghe trong tâm thần. Để có thể nghe được tiếng Chúa phán khi nghe giảng Tin Lành thì người nghe phải có tấm lòng đau đớn về sự phạm tội của mình, mong được thoát khỏi sự phạm tội.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện rằng Lời Chúa làm tươi mới linh hồn con mỗi ngày. Nguyện rằng Lời Chúa cứ mãi ở trong con.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú
03/04/2023

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ