Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Nguyễn Ngọc Tú: I Ti-mô-thê 1:17-20 Điển Hình về Sự Thương Xót của Thiên Chúa – Phần 2

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã gìn giữ gia đình con qua một ngày bình an. Con cảm tạ Cha tối hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong I Ti-mô-thê 1:17-20. Con xin ghi lại sự hiểu của con về phân đoạn này.

17 Nguyện sự tôn quý và vinh quang đời đời thuộc về Vua Đời Đời, bất tử, không thấy được, Thiên Chúa Thông Sáng Có Một! A-men.

Câu 17: Thưa Cha, theo văn mạch từ câu 12 đến câu 16 thì con hiểu rằng danh hiệu "Vua Đời Đời" là chỉ về Đức Chúa Jesus Christ. Đấng Christ được gọi là Vua Đời Đời vì từ khi phục sinh, Ngài được Đức Chúa Trời giao quyền cai trị muôn vật cho đến đời đời, với danh hiệu Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa (I Ti-mô-thê 6:15; Khải Huyền 19:16).

Danh xưng "Thiên Chúa Thông Sáng Có Một" đã khẳng định lẽ thật Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa. Danh xưng này cũng dùng được gọi Đức Chúa Trời và Đức Thánh Linh. Văn mạch chỉ nhắc đến Đức Chúa Jesus Christ là nhằm nhấn mạnh đến thân vị Thiên Chúa của Ngài, có lẽ hàm ý của Phao-lô là để chống trả lại các tà giáo bác bỏ thần tính của Đức Chúa Jesus Christ do các giáo sư giả loan truyền, như ông kết luận về họ trong câu 7 là: "Họ muốn làm các thầy dạy luật, mà không hiểu điều mình nói hoặc điều mình tin chắc". Chắc chắn là một người đã bác bỏ thần tính của Đức Chúa Jesus Christ thì họ không thể nào hiểu được Thánh Kinh nữa. Câu "họ không hiểu điều mình nói" còn có ý nói bản thân các giáo sư giả cũng tự mâu thuẫn với chính mình trong cách giải thích Thánh Kinh của họ.

Đặc tính "bất tử" được áp dụng cho Đức Chúa Jesus Christ để nói lên sự kiện Ngài vốn là Thiên Chúa bất tử, nhưng đã bằng lòng nhập thế làm người, chịu chết để cứu chuộc loài người. Sau khi Ngài sống lại từ trong kẻ chết thì Ngài chiến thắng sự chết và từ đó thân thể xác thịt của Ngài mang đặc tính bất tử (không thể chết được nữa). Lẽ thật này được chính Ngài tuyên bố trong Khải Huyền 1:18:

"Ta là Đấng Sống mà đã chết, và kìa, nay Ta sống đời đời! A-men! Ta giữ các chìa khóa của sự chết và âm phủ."

Đặc tính "không thấy được" không phải nói về sự nhìn thấy thân thể hay vinh quang của Đức Chúa Jesus Christ, mà là nói về sự kiện không một ai có thể hiểu biết đầy trọn về Ngài. Vì Ngài vốn là Thiên Chúa vô hạn, mà loài người là loài thọ tạo có giới hạn, nên loài người có dùng cả quảng thời gian đời đời để tìm hiểu về Ngài thì cũng không thể nào hiểu thấu được. Tuy nhiên, mỗi khi hiểu thêm một điều về Ngài sẽ khiến lòng người vui vẻ, hân hoan. Vì thế, mục đích của cuộc sống đời đời vẫn là để khám phá mọi sự tốt đẹp thuộc về Thiên Chúa (Giăng 17:3).

18 Hỡi con! Ti-mô-thê! Sự răn bảo này ta truyền cho con, theo các lời tiên tri về con trước đây, rằng, nhờ những lời đó mà con đánh trận tốt lành,
19 giữ lấy đức tin và lương tâm, là điều có mấy kẻ đã chối bỏ nên đức tin của họ bị chìm đắm.

Câu 18 và 19: Thưa Cha, tiếng gọi "Hỡi con", Phao-lô gọi Ti-mô-thê nghe thật thân thương. Con thử đặt mình trong tâm tư của Ti-mô-thê, con nghĩ là khi đọc lời viết này của Phao-lô, Ti-mô-thê sẽ rất vui và được khích lệ trong lòng. 

Lời tiên tri về Ti-mô-thê trước đây là lời công bố và chúc phước cho chức vụ giám mục của Ti-mô-thê, bởi Hội Đồng Trưởng Lão của Hội Thánh Ê-phê-sô, như được nhắc đến trong I Ti-mô-thê 4:14:

"Đừng bỏ quên ân tứ trong con, là điều đã ban cho con bởi lời tiên tri với sự đặt tay của Hội Đồng Trưởng Lão."

Chúa đã nhậm lời chúc phước của Hội Đồng Trưởng Lão và ban các ân tứ cho Ti-mô-thê. Các ân tứ ấy có thể là lời nói của sự khôn sáng, lời nói của sự hiểu biết, cùng ân tứ quản trị Hội Thánh.

Nhóm chữ "nhờ những lời đó mà con đánh trận tốt lành" nghĩa là Ti-mô-thê đã tận dụng những ân tứ Chúa ban để đánh thắng các trận chiến thuộc linh, giữ vững đức tin cho bản thân và con dân Chúa.

Câu "có mấy kẻ đã chối bỏ nên đức tin của họ bị chìm đắm", nghĩa là, thay vì hết lòng tin cậy Chúa và tận dụng các ân tứ được Đức Thánh Linh ban cho để tranh đấu cho đời sống thuộc linh, thì có những người đã khước từ các ân tứ ấy nên không thể đứng vững trong đức tin. "Đức tin bị chìm đắm" nghĩa là có đức tin nhưng đã không cố gắng giữ lấy.

20 Trong mấy kẻ ấy là Hi-mê-nê và A-léc-xan-đơ, mà ta đã phó cho Sa-tan rồi, để họ được dạy cho biết đừng phạm thượng nữa.

Câu 20: Con hiểu rằng, "phó cho Sa-tan" nghĩa là dứt thông công với người phạm tội mà không thật lòng ăn năn. Vì người bị dứt thông công là bị dứt ra khỏi thân thể của Đấng Christ, nên Sa-tan có toàn quyền trên người ấy. Sa-tan có thể hủy hoại xác thịt của người ấy (I Cô-rinh-tô 5:5), mà hình thức điển hình là xúi giục người ấy lún sâu vào nếp sống tà dâm. 

Nhóm chữ "để họ được dạy cho biết đừng phạm thượng nữa", nghĩa là, dưới sự hành hại của Sa-tan, người bị dứt thông công sẽ sống trong bất an, lo sợ, cảm biết được đau khổ khi không còn được sống trong sự quan phòng của Chúa và trong tình yêu của Chúa thể hiện qua Hội Thánh. Hy vọng rằng, trong sự đau khổ ấy, người ấy biết thức tỉnh mà ăn năn.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Cha giờ này tiếp tục ban ơn, thêm sức, soi dẫn cho con trong các công việc còn lại trong tối hôm nay. Con cảm tạ Cha. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú

...

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ