Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Nguyễn Ngọc Tú: Hê-bơ-rơ 5:7-10 Chức Vụ Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của Đấng Christ – Phần 3

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con dâng lời cảm tạ Cha đã gìn giữ gia đình con qua một ngày bình an. Con cảm tạ Cha chiều hôm nay cũng ban cho chỗ chúng con thêm một cơn mưa lớn nữa. Con thấy giếng nhà con đã đầy nước trở lại. Con cảm tạ Cha vì giờ này Ngài cũng ban cho con có thời gian đến với Ngài và Lời của Ngài. Con xin ghi lại những điều con suy ngẫm về phân đoạn Hê-bơ-rơ 5:7-10.

7 Đấng, trong những ngày của xác thịt Ngài, đã dâng những lời cầu nguyện lẫn những lời van xin với tiếng kêu lớn và những giọt nước mắt lên Đấng có năng lực cứu Ngài khỏi sự chết; và đã được nghe bởi lòng kính sợ của Ngài.

Câu 7: Thưa Cha, con hiểu rằng, nhóm chữ "trong những ngày của xác thịt Ngài" là có ý nói đến khoảng thời gian Đấng Christ phải sống trong thân thể xác thịt yếu đuối, chịu khổ để phụng sự Đức Chúa Trời. 

Trong các sách Tin Lành đã ghi lại nhiều lần Đức Chúa Jesus Christ ra nơi riêng tư để cầu nguyện với Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 14:23; Mác 1:35; Lu-ca 5:16; Lu-ca 6:12; Lu-ca 9:28; Lu-ca 22:41-44). Trong đó, trong đêm trước khi bị bắt, Ngài đã cầu nguyện rất tha thiết với Đức Chúa Trời, đến nỗi "mồ hôi trở nên như những giọt máu lớn rơi xuống đất". Đức Chúa Jesus đã kêu cầu Đức Chúa Trời cứu Ngài khỏi sự chết. Đây là sự chết cả về thuộc thể lẫn thuộc linh. Sự chết thuộc linh là Ngài tạm thời bị cắt đứt mối tương giao với Đức Chúa Trời. 

Thưa Cha, khi mới bước theo Chúa, con cũng chưa cảm nhận được về sự Đức Chúa Jesus tạm chia cách với Đức Chúa Trời khi Ngài chịu chết trên thập tự giá. Nhưng khi con có con và hàng ngày gắn bó với chúng, rồi khi có việc phải tạm xa chúng vài ngày, thì con đã cảm nhận được phần nào mối tương giao mật thiết ấy. Trong con người xác thịt yếu đuối, bị ảnh hưởng bởi tội lỗi mà con còn không muốn xa các con của mình ngày nào, thì Đấng Christ và Đức Chúa Trời còn gắn bó mật thiết đến dường nào.

8 Dù Ngài là con, Ngài đã học tập sự vâng phục bởi những sự mà Ngài đã chịu khốn khổ.

Câu 8: Con hiểu rằng, qua lời chú giải của người chăn mà con hiểu được nhóm chữ "dù Ngài là con" có ý nói Đức Chúa Jesus Christ là Con Một yêu dấu của Đức Chúa Trời, Ngài không hề phạm tội, và sống rất đẹp lòng Đức Chúa Trời, nên Ngài không cần phải chịu bất cứ sự khốn khổ nào. Nhưng Ngài đã vâng phục Đức Chúa Trời cách trọn vẹn mà tiếp nhận mọi sự chịu khổ và thậm chí là cái chết.

9 Và đã được nên trọn vẹn, Ngài đã trở nên nguồn cứu rỗi bất tận cho hết thảy những ai vâng phục Ngài,
10 đã được xưng bởi Đức Chúa Trời là thầy tế lễ thượng phẩm theo ban Mên-chi-xê-đéc.

Câu 9 và 10: Con hiểu rằng, chính vì Đấng Christ đã vâng phục Đức Chúa Trời cho đến chết dù Ngài không hề phạm bất kỳ tội gì, nên Ngài đã được nên trọn vẹn và được Đức Chúa Trời làm cho sống lại. Ngài trở nên nguồn cứu rỗi bất tận nghĩa là sự cứu rỗi chỉ có thể ra từ Ngài và luôn dư dật cho toàn thể loài người. Tuy nhiên, nhóm chữ "cho hết thảy những ai vâng phục Ngài" cũng đã nói lên ý nghĩa ơn cứu rỗi của Ngài chỉ có hiệu lực cho những ai nghe và làm theo mọi Lời phán dạy của Ngài. 

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Giờ này con cũng cầu xin Cha ban cho gia đình con một giấc ngủ ngon. Con cảm tạ Cha hôm nay cũng tiếp tục ban ơn cho con trong việc lập trình nhu liệu.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú

...

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ