Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Nguyễn Ngọc Tú: I Tê-sa-lô-ni-ca 1:1-5 Con Dân Chúa Bắt Chước Nhau và Bắt Chước Chúa – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã gìn giữ con qua một đêm ngủ nghỉ bình an. Con cảm tạ Cha sáng hôm nay cũng ban ơn cho con trong sự suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong I Tê-sa-lô-ni-ca 1:1-5. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

1 Phao-lô, Si-la, và Ti-mô-thê gửi cho Hội Thánh giữa những người Tê-sa-lô-ni-ca, trong Thiên Chúa Đức Cha và trong Đức Chúa Jesus Christ. Nguyện ân điển cùng sự bình an từ Thiên Chúa Đức Cha của chúng ta và từ Đức Chúa Jesus Christ ở với các anh chị em.

Câu 1: Thưa Cha, con thấy rằng, trong các thư tín Phao-lô viết gửi chung cho Hội Thánh địa phương (Rô-ma, I Cô-rinh-tô, II Cô-rinh-tô, Ga-la-ti, Ê-phê-sô, Phi-líp, Cô-lô-se, I Tê-sa-lô-ni-ca, II Tê-sa-lô-ni-ca), thì có các thư gửi cho con dân Chúa tại Phi-líp và Tê-sa-lô-ni-ca là Phao-lô không đề cập đến chức vụ sứ đồ của ông trong lời chào đầu thư. Dựa vào nội dung thư thì con nghĩ rằng các con dân Chúa ở Phi-líp và Tê-sa-lô-ni-ca mặc nhiên công nhận chức vụ và thẩm quyền sứ đồ của ông, qua sự họ vâng phục những lời khuyên dạy cũng như bắt chước nếp sống của ông. Trong hai thư tín I Tê-sa-lô-ni-ca và II Tê-sa-lô-ni-ca, Phao-lô gọi con dân Chúa nơi đây là những người được yêu bởi Thiên Chúa (hoặc bởi Chúa), giúp con cảm nhận được là con dân Chúa ở đây cũng rất yêu Chúa, giống mối quan hệ giữa Đức Chúa Jesus và Sứ Đồ Giăng.

Phao-lô nhắc đến Si-la và Ti-mô-thê là người cùng gửi thư có lẽ là vì Si-la và Ti-mô-thê đã cùng cầu nguyện và góp ý cho Phao-lô về nội dung thư. Con nghĩ rằng, khi Si-la và Ti-mô-thê từ thành Bê-rê đến với Phao-lô ở A-thên, hai ông đã cập nhập nhiều tin tức về con dân Chúa, về tình hình rao giảng Lời Chúa tại xứ Ma-xê-đoan, cho Phao-lô. Có lẽ sau khi nghe các tin tức ấy xong thì lòng Phao-lô được cảm động viết thư I Tê-sa-lô-ni-ca để làm con dân Chúa được vững lòng. Chắc chắn lẽ thật về sự Đấng Christ đến đem Hội Thánh ra khỏi thế gian được viết trong thư tín này (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18) sẽ làm con dân chân thật của Chúa trong khắp nơi, khắp mọi thời đại, được vững lòng mỗi khi đọc đến.

2 Chúng tôi luôn vì hết thảy các anh chị em mà tạ ơn Đức Chúa Trời, nhắc đến các anh chị em trong sự cầu nguyện của chúng tôi;
3 nhớ mãi công việc về đức tin của các anh chị em, sự lao nhọc về tình yêu của các anh chị em, sự nhẫn nại về sự trông cậy của các anh chị em trong Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, trước Đức Chúa Trời và Cha của chúng ta.

Câu 2 và 3: Con hiểu rằng, trong câu 3 Phao-lô nêu lý do mà ông và các bạn của ông luôn vì hết thảy con dân Chúa tại Tê-sa-lô-ni-ca mà tạ ơn Đức Chúa Trời, nhắc đến họ trong sự cầu nguyện. Vì họ đã sống được một nếp sống bày tỏ đức tin vào Thiên Chúa. Đức tin của con dân Chúa cần thể hiện thành các việc làm cụ thể (Gia-cơ 2:26), như siêng năng, nề nếp, tiết độ, lời nói dịu dàng, nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ... đó là ý nghĩa của nhóm chữ "công việc về đức tin". Thêm nữa, con dân Chúa tại Tê-sa-lô-ni-ca còn có "sự lao nhọc về tình yêu", nghĩa là, vì tình yêu với anh chị em trong Chúa và với người lân cận mình mà cố gắng làm việc và chịu đựng mọi khó khăn. Điển hình là sự họ đã quyên góp quá sức để tiếp trợ cứu đói cho con dân Chúa tại xứ Giu-đê, trong khi họ cũng "vô cùng nghèo khó" (II Cô-rinh-tô 8:3).

Phao-lô giảng Tin Lành tại xứ Ma-xê-đoan vào khoảng cuối năm 49, viết thư tín I Tê-sa-lô-ni-ca vào khoảng năm 50, viết thư II Cô-rinh-tô có lẽ vào khoảng năm 57. Như vậy là khoảng tám năm từ lúc tin nhận Chúa, con dân Chúa tại Tê-sa-lô-ni-ca vẫn tấn tới trong đức tin và trong sự lao nhọc về tình yêu. Cả hai điều đó đã thể hiện sự nhẫn nại về sự trông cậy của họ trong Đức Chúa Jesus Christ. Nghĩa là, vì con dân Chúa Tê-sa-lô-ni-ca có sự trông cậy vững vàng về những lời hứa và thật sự quý trọng Đấng Christ, mà luôn bền lòng trong mọi cảnh ngộ. Thưa Cha, khi suy ngẫm đến đây thì con chợt rơi nước mắt, khi nghĩ về những người đã bỏ Chúa chỉ vì tham muốn những thứ tạm bợ của đời này, trong khi họ còn chưa từng gặp "cơn thử thách lớn của sự khốn khó" và "cơn vô cùng nghèo khó" như con dân Chúa Tê-sa-lô-ni-ca.

Sứ Đồ Phao-lô đã mô tả sự ông quý trọng Đấng Christ bằng ba phép so sánh tinh tế (Phi-líp 3:8).

- Mọi danh lợi trong thế gian chỉ là sự lỗ, so sánh với sự sở hữu tri thức về Đấng Christ là sự lời. Chắc chắn là không một cuộc trao đổi nào đem lại mức "lời" lớn cho bằng việc từ bỏ mọi sự để đón nhận tri thức về Đấng Christ.
- Sự hiểu biết về Đấng Christ Jesus là siêu việt, là vượt trội hơn tất cả mọi sự hiểu biết, so sánh với sự hiểu biết hạn hẹp của thế gian.
- Mọi sự trong thế gian chỉ như phân, nghĩa là như một thứ đồ ô uế, so sánh với Đấng Christ là Chúa của sự vinh quang, đẹp đẽ vô cùng.

4 Hỡi các anh chị em cùng Cha được yêu bởi Thiên Chúa! Hãy biết về sự được chọn của các anh chị em!

Câu 4: Khi suy ngẫm về sự chịu thương khó bước đi theo Chúa của Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca thì con đã hiểu được vì sao Chúa gọi họ là những người được yêu bởi Thiên Chúa, được Chúa chọn. Sứ Đồ Phao-lô khuyên con dân Chúa tại Tê-sa-lô-ni-ca "hãy biết về sự được chọn", nghĩa là, hãy thường suy ngẫm để nhận thức được giá trị của địa vị làm con Đức Chúa Trời, giá trị của địa vị thuộc về Hội Thánh, của mình.

5 Vì Tin Lành của chúng tôi đến với các anh chị em, không chỉ bằng lời nói nhưng cũng bằng năng lực, bằng thánh linh, và bằng sự bảo đảm; như các anh chị em biết rõ, chúng tôi là những người thế nào ở giữa các anh chị em, vì phúc lợi của các anh chị em.

Câu 5: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô và các bạn của ông không chỉ rao giảng Tin Lành bằng lời nói, mà còn tỏ ra năng lực của Thiên Chúa trong Tin Lành qua nếp sống của họ. Có thể hình dung ra được là trong quá trình sinh hoạt tại Hội Thánh địa phương, các sứ đồ không chỉ rao giảng Lời Chúa, mà còn áp dụng Lời Chúa để giúp giải quyết các nan đề trong cuộc sống của con dân Chúa. Trong lời nói tỏ ra sự khôn sáng, hiểu biết, giúp được người lân cận; hết sức lao động kiếm sống tại địa phương; hết sức tham gia phụ giúp con dân Chúa, đặc biệt là các gia đình con dân Chúa khó nghèo; thăm viếng những người cao tuổi; vui chơi với trẻ con và cũng dành thời gian dạy dỗ chúng nó...

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện rằng sự suy ngẫm Lời Ngài là nguồn năng lực cho mọi hoạt động còn lại trong ngày của con. Nguyện xin Cha cũng ban ơn cho mọi việc tay con làm trong hôm nay. Con cảm tạ Cha. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú

...

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ