Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Nguyễn Ngọc Tú: II Ti-mô-thê 1:7-12 Nhờ Sức Chúa để Chịu Khổ Vì Tin Lành – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã gìn giữ gia đình con qua một ngày bình an. Con cảm tạ Cha tối hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong II Ti-mô-thê 1:7-12. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

7 Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta thần trí của sự sợ hãi, nhưng của năng lực, của tình yêu, và của sự tự kỷ luật.

Câu 7: Thưa Cha, con hiểu rằng, "thần trí của sự sợ hãi" là sự sợ hãi từ trong tâm thần do tiếp xúc với thế giới thiêng liêng thuộc về tà linh, mà điển hình là các hình thức thờ lạy, cúng tế tà thần. Người thật lòng tin nhận Chúa thì không có thần trí của sự sợ hãi, thay vào đó là thần trí của sự sống, bình an (Rô-ma 8:6), của năng lực, tình yêu, và của sự tự kỷ luật. Thần trí của sự tự kỷ luật là sự kỷ luật thân thể mình một cách nghiêm khắc, bắt thân thể phải sống nếp sống nề nếp, tiết độ trong mọi sự.

8 Vậy, con chớ hổ thẹn về lời chứng cho Chúa của chúng ta, hoặc về ta, người tù của Ngài. Nhưng hãy bởi năng lực của Thiên Chúa mà cùng chịu khổ vì Tin Lành.

Câu 8: Con hiểu rằng, Phao-lô kêu gọi Ti-mô-thê "chớ hổ thẹn" không có nghĩa là Ti-mô-thê từng hổ thẹn vì sống theo Tin Lành và rao giảng Tin Lành, mà Phao-lô có ý động viên Ti-mô-thê cứ tiếp tục sống vui mừng, bình an trong sự làm chứng cho Chúa. 

Bởi năng lực của Thiên Chúa là bởi những ơn phước thiêng liêng được ban cho từ Đức Chúa Trời, bởi sự thêm sức của Đức Chúa Jesus Christ, và bởi sự ban cho thánh linh, ân tứ của Đức Thánh Linh. "Cùng chịu khổ vì Tin Lành" là cùng Phao-lô rao giảng Tin Lành và kết quả cho Tin Lành dù có gặp nghịch cảnh nào. 

9 Đấng đã cứu chúng ta và đã gọi chúng ta bởi sự kêu gọi thánh, chẳng phải theo việc làm của chúng ta, mà theo mục đích riêng của Ngài và ân điển đã ban cho chúng ta trong Đấng Christ Jesus, từ trước khi thế gian bắt đầu.

Câu 9: Con hiểu rằng, "Đấng đã cứu chúng ta" trong câu này là chỉ về Ba Ngôi Thiên Chúa. "Sự kêu gọi thánh" đầu tiên là kêu gọi mỗi người đến với sự cứu rỗi của Ngài, sau là kêu gọi những ai tiếp nhận ơn cứu rỗi tiếp tục biệt mình riêng ra thánh, để phụng sự Ngài.

10 Nhưng bây giờ mới tỏ ra bởi sự hiện ra của Đức Chúa Jesus Christ, Đấng Giải Cứu của chúng ta. Ngài đã hủy phá sự chết, nhưng chiếu sáng sự sống và sự không hề chết bởi Tin Lành.

Câu 10: Con hiểu rằng, điều "bây giờ mới tỏ ra bởi sự hiện ra của Đức Chúa Jesus Christ" là chương trình cứu rỗi nhân loại của Thiên Chúa, hay còn gọi là Tin Lành. Đức Chúa Jesus Christ đã hủy phá sự chết bằng cách sống một đời hoàn toàn công chính, vâng phục trọn vẹn thánh ý của Đức Chúa Trời, rồi chịu chết thay cho loài người đang mang bản án chết vì vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời. Ngài chiếu sáng sự sống và sự không hề chết bởi Tin Lành, nghĩa là, bởi sự rao giảng Tin Lành của Ngài mà nhiều người có cơ hội được cứu khỏi sự chết thuộc linh hiện tại và nhận được sự sống đời đời trong đời sau.

11 Về sự ấy mà ta đã được lập làm người rao giảng, sứ đồ, và giáo sư cho các dân ngoại.

Câu 11: Con hiểu rằng, "về sự ấy" là về công tác chiếu sáng sự sống và sự không hề chết bởi Tin Lành. Phao-lô không chỉ làm người rao giảng, sứ đồ, và giáo sư cho các dân ngoại vào thời của ông, mà còn cho mọi người ở khắp mọi nơi, trong khắp mọi thời đại. Những gì Phao-lô để lại cho Hội Thánh, từ những thư tín cho đến nếp sống chịu khổ, đều có giá trị vô cùng to lớn đối với đời sống của các thánh đồ của Chúa.

12 Bởi cớ ấy mà ta cũng chịu khổ về những sự này. Nhưng ta chẳng hổ thẹn vì ta biết Đấng mà ta đã tin, và ta biết chắc rằng, Ngài có quyền phép để giữ sự ta đã phó thác, cho đến ngày đó.

Câu 12: Con hiểu rằng, "bởi cớ ấy" là bởi lời chứng cho Đấng Christ mà Phao-lô đã vui lòng chịu mọi gian khổ. Phao-lô chẳng những không hổ thẹn mà qua các lời tâm tình của ông, con thấy rằng, ông còn rất tự hào vì mình được làm một sứ đồ của Chúa, được chịu khổ cho Chúa. Sự phó thác của Phao-lô ở đây là phó thác tâm thần, linh hồn, và xác thịt của ông cho Chúa. Ông biết chắc rằng, dù thân thể xác thịt của ông có tan thành bụi đất, thì "đến ngày đó" là ngày mà Đấng Christ tái lâm để đón Hội Thánh, Chúa cũng sẽ làm thân thể xác thịt của ông sống lại trong vinh quang bất tử. 

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Khi thấy thế giới ngoài kia ngày một hỗn loạn hơn, con cảm tạ Cha đã đưa gia đình con về sống ở một nơi tương đối bình yên. Nguyện rằng, gia đình con cũng làm tròn các công việc Chúa giao cho trên đất này, cho đến ngày Chúa đến. Nguyện xin Cha cũng ban ơn cho gia đình con trong sự quy hoạch làm lại khu vườn nhỏ nhỏ xinh xinh của chúng con. Con cảm tạ Cha.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú

...

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ